Chú Hải (FB: Le Hai) là một người đã từng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng Vietnam Raw Denim với bài viết “Thăng trầm quần jeans” được chú chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Là một người luôn mở lòng với những ai có cùng đam mê, chú Hải đã nhận lời đi uống cafe với VNRD và kể về con đường sưu tầm và yêu Levi’s 501 của chú.



Chào chú, chú bắt đầu để ý chuyện ăn mặc từ độ tuổi nào?
Nói các bạn đừng cười, tôi là tôi thích ngắm phụ nữ đẹp. Cái mắt nhìn “gái” của mình từ từ nó phát triển thành thích ngắm những cái đẹp, đẹp từ tổng thể đến chi tiết. Mà trang phục luôn là thứ tôi nhìn thấy đầu tiên nên nhìn người nó thành ra nhìn đồ, cứ vậy mà tôi mê quần áo luôn. Bạn bè cũ tôi hay đùa sao anh Hải nhớ được mọi người hay quá, không bỏ sót chi tiết nào, chắc nhờ con mắt soi đồ của tôi mà ra cả. Có một cậu bạn trong lớp chẳng ai biết là con nhà giàu, chỉ có tôi là lờ mờ đoán ra được vì cu cậu đi học mà toàn mặc jeans Levi’s. Lớp tôi chủ yếu là con nhà nghèo, sống ở khu gia binh nên cũng không có điều kiện để mà biết về xa xỉ phẩm.
Giờ nhớ lại thấy cậu bạn đó chắc nhà cũng gốc gác lớn lắm, vì quần jeans thời đó là đồ PX (Đồ Siêu thị chuyên bán cho lính Mỹ), làm gì có size châu Á đâu mà cậu ta mặc lia chia từ denim tới nhung tăm. Muốn mua đồ ở siêu thị PX là phải có thẻ quân nhân Mỹ, bởi vậy có nhiều chị em đàn bà cặp lính Tây xong rồi mua đồ PX mang ra ngoài bán kiếm thêm, nhờ vậy mà nhiều người mới có quần jeans mà mặc. Mà vui như vầy nè, mấy Sĩ Quan Mỹ thấy đồ bị tuồn ra nhiều quá, họ bắt đầu chế ra một loại tiền tệ riêng, gọi là đô la đỏ để lính dùng trong các PX. Tiền này được quy đổi trong doanh trại, lâu lâu lại đổi mẫu mã làm cho nhiều con buôn đầu cơ đô la đỏ hôm trước hôm sau thành giấy vụn, lắm trò thiệt chứ mấy cái anh Mỹ.

Vậy thì từ đâu mà chú bắt đầu biết tới quần jeans?
Thời đó có một loại báo tên là Sears, nó giống như một dạng ca-ta-lô giới thiệu sản phẩm bây giờ, trong đó có quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ cắm trại đủ cả. Những cuốn này được máy bay thả cho lính Mỹ đọc, tụi nó đọc chán thảy ra cho dân mình coi. Tôi lúc đó hay ra hàng ve chai coi ké, cứ lật nhanh tới chỗ có quần jeans, áo khoác Levi’s coi mà chảy dãi. Nhưng mà để nói tới từ đâu mà tôi biết tới đồ jeans thì chắc là vì tôi nhìn thấy mấy anh lính dân sự Mỹ họ mặc. Lính dân sự là lính chuyên tháp tùng bảo vệ những container cập bến kho Nguyễn Thái Bình, đội này không mặc quân phục xanh mà chơi quần jeans, áo sơ mi ngắn tay đóng thùng, bên hông đeo súng ru-lô mạ chrome sáng choang. Rồi mấy tay nhà báo chiến trường cũng mặc quần jeans, cũng đẹp y chang như vậy.
Chú mua chiếc quần jeans đầu tiên là khi nào?
Năm 1970, năm đó tôi lớp 8, dành dụm được một ít tiền tôi ra chợ mua quần cũ về sửa lại mặc, cũng là Levi’s nhưng bạc màu hết trơn rồi, đồ này là đồ cũ của công nhân xưởng Mỹ họ mặc xong thải ra bán si đa. Tôi ráng lựa cái nào còn nhiều màu chàm với chưa rách đáy mà cũng phải lựa mấy lần mới có cái ưng ý. Vậy mà cầm quần ra tiệm để sửa nhiều nơi họ còn chê không nhận (cười).
Tôi hay cầm ra nhà may Tuấn đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, còn gọi là Hiệu may Tuấn Vườn Chuối, số một thời đó. Ở đây họ nhận sửa đồ jeans và may rất đẹp. Ông Tuấn may đồ đẹp nhưng mà mắc, ai ra đây may đồ cũng phải trả gấp rưỡi hoặc gấp đôi những nhà may khác cùng con đường, khu Vườn Chuối là khu may mặc lớn của Sài Gòn trước giải phóng. Quần jeans nếu mua ở ngoài thì nó phải mắc gấp 3 lần quần may ở Tuấn, nghĩa là giá trị của nó rất lớn. Lúc này thì lại có một loại quần nhái, nó không lấy tên Levi’s mà nó lấy là L-E-E, có nghe thấy chưa? Quần L-E-E rẻ hơn Levi’s nhưng tôi không thích bằng, dù phải mua đồ cũ thì vẫn mua Levi’s. (Người viết: Lee cũng là một thương hiệu của Mỹ nhưng ít người Việt Nam biết đến thời kỳ đó nên có nhiều sự nhầm lẫn với Levi’s).
Nhưng tính ra vẫn có nhiều lựa chọn lắm nếu không muốn chơi Levi’s, lính Hải Quân Chế độ cũ họ có loại quần gọi là Săng-gai, nhìn nó cũng giống giống denim vậy đó. Denim là cách gọi sau này, trước đây thì có quần jeans Săng-gai, vải khá giống denim nhưng mềm hơn. Nhiều tay muốn chơi nhưng ít tiền thì mua mấy cái quần đó về rồi dùng nước Javen chà cho bạc màu ra mặc cho đỡ ghiền. Tới giờ tôi vẫn mê quần 501 vì nó bạc tự nhiên, cái màu phai của 501 không thể can thiệp bằng javen mà ra được. Kéo dài tới sau giải phóng thì quần 501 vẫn là một món hàng rất được săn đón, trong những thùng đồ Mỹ gửi về, cứ nói tới quần jeans là nói tới quần Levi’s 501, trong những bài viết của tôi có hay nói quần jeans trị giá 1 chỉ vàng thật ra có thể còn mắc hơn thế nữa.
Vậy nếu như muốn mua quần jeans Levi’s mới thì mua ở đâu được hả chú?
Chợ trời Lăng Cha Cả, ở đó chuyên bán đồ mỹ, đồ quân dụng của lính không quân, cứu sinh pháo sáng, flare tùm lum, cả súng nữa. Tôi cũng không biết nguồn gốc ở đâu ra mà chắc là có dính dáng tới đồ quân nhu, quần Levi’s 501 họ bán niêm trong cái bao nhìn xịn lắm, mắc lắm.
Hoặc nếu người đẳng cấp hơn thì có thể tới Passage Eden với Thương xá Tax, ở đây chuyên bán hàng xa xỉ phẩm nhập từ Hong Kong về. Tôi cũng chỉ là người ham chơi mà biết nhiều chứ cũng chưa bao giờ dám bước chân vô mấy chỗ này (cười).


Như chú nói thì không có nhiều người biết giá trị của quần jeans, nhưng chắc cũng phải có vài “tay chơi” denim chứ? Bạn bè chú có ai cũng mê quần jeans giống chú không?
Bạn bè tôi chơi rất nhiều mà cũng chỉ có một anh, tên là Điền, học chung lớp trường Y Khoa với tôi, tôi thấy ảnh mê đồ jeans giống tôi. Bộ đồ vía của anh ta là 1 quần jeans Levi’s và 1 cái thun cá sấu (Lacoste) có dắt cây viết Pa-ke (Parker) ở cổ áo, oai như một ông trùm luôn, lúc đó là khoảng năm 1978. Thời đó tay chơi là phải đi Vespa Sprint, quần jeans, áo thun cá sấu và đi giày da Pốt-can, thật tôi bây giờ vẫn chưa biết da Pốt-can là gì. Hồi còn nhỏ tôi ở gần đường Nguyễn Thái Bình bây giờ, gần nhà có bà Ba hàng xóm, làm vũ nữ ở Vũ trường Maxim. Tôi để ý có một tay chơi nọ hay tới nhà bà Ba, một người cao to mang giày Pốt-can mặc quần Levi’s 501, hắn cứ đến là đứng hút thuốc trước nhà một lúc mới vào, tôi nhìn ngắm mà mê mẩn hình ảnh đó.

Quần thì ít người biết giá trị nhưng áo jeans thì ai cũng biết là đồ đắt tiền, bởi vì nó còn hiếm hơn nữa, cả một thời trẻ tôi chắc chỉ thấy có 2 người mặc. Thứ nhất là một tay bảnh trai cứ đút tay vô túi áo ngồi trước vũ trường Maxim, cả ngày chỉ đi tán mấy em gái đi qua lại đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ). Các em thì mặc áo dài e ấp còn anh chàng thì cứ đút tay vô túi nói chuyện, mặt hếch lên, bây giờ mà mặc vậy không biết còn tán được em nào không (cười).
Chiếc áo jeans thứ hai mà tôi thấy được là mỗi khi ra bến xe đò mua vé về quê, thì thấy ông sếp chủ hãng ở đó mặc, ra dáng kẻ bề trên ngay. Chỉ hai người đó thôi mà tôi nhớ tới bây giờ, áo jeans thời điểm đó đúng là cực hiếm. Tới khoảng năm 1992, lúc đó có tiền rồi tôi mới mua được chiếc áo jeans đầu tiên, là một mẫu làm ở Việt Nam nhưng được bán ở triển lãm nên tôi mê quá mua luôn. Về quê mặc đi chơi thì thấy cô em họ cũng khoác áo jeans đi chợ, nhìn lại thấy chợ quê giờ cũng tràn lan đồ jeans rồi, tôi hơi quê cất luôn (cười).
Chú có một kỉ niệm vui nào về quần Levi’s 501 không?
Tôi có hai ông bạn góp tiền nhau mua 1 cái quần Levi’s 501, cũng hơn một chỉ vàng, chỉ để dành chia nhau mặc đi đám cưới với đi tán gái thôi.
Lúc đất nước mở cửa thì phong trào mặc đồ jeans cũng xuống dần, phần vì hãng Levi’s bắt đầu giảm chất lượng đi, làm ở Pakistan rồi Ấn Độ chứ không còn làm ở Mỹ. Lúc đó tôi mua được mấy chiếc quần hãng của Ý không nhớ tên, vải mềm hơn, dễ chịu hơn. 501 thì vẫn vậy, thô ráp, cứng và nóng, mặc không dễ chịu lắm nhưng với ai mê thì sẽ vẫn rất thích. Ai thích sự hiện đại thì có thể sẽ thích đồ kiểu mới vì có pha elastane, co dãn tốt và thoáng, chưa kể đến việc phom dáng quần bây giờ cũng nhiều hơn, cỡ ống nào cũng có, chứ đâu như xưa chỉ có 501 làm chuẩn. Levi’s 501 giống một hoài niệm vậy, chỉ dành cho ai yêu những điều xưa cũ và bền bỉ.
Thô và cứng là những thứ mà anh em VNRD tụi con bây giờ rất hưởng ứng. Có thể nói nhóm này là tập hợp những anh em yêu thích sự cổ điển, quần jeans là phải thô, phải cứng, phải fade thật sắc. Những chiếc quần về sau có thể thoải mái dễ chịu hơn nhưng mọi người lại đam mê những giá trị hoài cổ hơn, chú nghĩ sao về việc này?
Chắc vì các bạn còn trẻ, như tôi cũng đã trải qua rồi nên cái gì tiện nghi thì mình dùng (cười). Nhưng đam mê này cũng là một điều mà tôi tôn trọng hết mình. Nhìn lại về lịch sử thì tôi nghĩ giai đoạn cực đỉnh của quần jeans là thập niên 60s, phong trào phản chiến và giới hippy. Phim Forrest Gump mô tả lại khoảng thời gian này rất hay, lối sống ngoài khuôn khổ, râu tóc xồm xoàm, mặc đồ jeans phóng khoáng tùy biến theo cá tính mình, dơ dơ cũng kệ. Tôi nhớ ông Vũ Thành An (Nhạc Sĩ) hồi xưa là thầy dạy môn Công Dân Giáo Dục của tôi, ông ấy cũng dân hippy như vậy, để râu tóc dài nhìn đẹp trai lắm.

Chú có mặc quần ống loe bao giờ chưa?
Cũng có (cười lớn), mình là người mê mô-đen mà, nhưng tôi chưa thấy quần hãng Levi’s nào may ống loe cả, các tay chơi muốn mặc thì phải tự đắp thêm vài vô ống cho nó loe ra, có người nong ống ra cả 30 cm mà mặc. Cái thú mặc ống loe này chơi nổi nhất chắc là mấy anh chàng Chà Bom Bay (người gốc Ấn Độ). Sài Gòn có mấy khu mà người ta gọi là chợ Chà Và, chuyên bán đồ cho dân gốc Ấn, nam thì chuyên mặc đồ Tây, còn nữ thì mặc soa-rê, mấy anh chàng này khoái mặc jeans ống bát lắm.
Chú có thể nói thêm cho tụi con biết về cách mà chú mặc quần jeans không?
Sao để vậy, tôi cứ chọn đúng số đo lưng với chiều dài thì mới mua, lỡ mà thích chiếc quần nào đó quá nhưng ống quần bị dài thì lên lai cho vừa rồi mặc. Tụi tôi không có thói quen mặc quần xắn gấu, quần phải vừa vặn, xắn gấu cao nhìn như người ta đi cày vậy, không ra dáng tay chơi.
Nhiều lúc mặc quần mới còn thô ráp quá nó lại dễ bị tụt, tôi mới hiểu tại sao các tay cao bồi bên Mỹ họ lại mang dây nịt bản to, đúng là trời sinh một cặp, chỉ có loại dây nịt đó mới hợp với quần denim. Nhớ có lần tôi tìm mua dây nịt cũng công phu lắm, Việt Nam mình là không bán loại to bản đó rồi nên tôi phải lên Ebay tìm, cơ duyên sao lại tìm thấy đúng sợi dây nịt Clint Eastwood mang trong phim The Good, The Bad, The Ugly. Tôi phải để đồng hồ báo thức lúc 3 giờ sáng để dậy bid (trả giá), may sao mà lại chốt được luôn, mừng hết lớn.

Chú có hội bạn nào hay ngồi cafe với nhau bàn về quần áo jeans không?
Tôi là thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị, mức sống trước giải phóng đâu có cao như bây giờ, hiếm hoi lắm mới thấy có người mặc quần jeans thì làm gì có ai mà hội hè. Chưa kể những người lớn tuổi lúc đó họ nhìn quần jeans với cặp mắt khác, họ cho đây là những chiếc quần cũ, bạc, không sạch sẽ và nhất là không tôn trọng người đối diện, nhìn chung là không thiện cảm. Chơi môn này hồi xưa chỉ là chơi solo thôi, nhiều khi mình mặc mình thích chứ người khác còn chẳng biết giá trị. Quần 1 chỉ vàng mà sờn sờn rách rách, nói ra chưa chắc người ta tin, cầm 1 cây vàng đi vượt biên được rồi (cười).
Nên khi các bạn tìm tới tôi rất vui, bây giờ tôi mới biết có một đội nhóm đông đảo như vậy ở Việt Nam cũng có cùng cái đam mê với tôi, dù các bạn còn rất trẻ và lớn lên trong một thế hệ khác. Nếu có cơ hội, tôi cũng mong được ngồi lại với những người bạn để nói về đam mê này.

Cảm ơn chú đã dành thời gian cho VNRD, chúc chú luôn có nhiều sức khỏe và tiếp tục niềm đam mê với denim.