TIÊU ĐIỂM: Phiên bản Levi’s cổ nhất từ năm 1873 được đưa lên đấu giá

by baole.gant

Chắc hẳn các anh em chưa quên chiếc quần Levi’s được bán đấu giá với số tiền “điên rồ” lên đến $76,000 USD vào năm ngoái. Một lần nữa phiên đấu giá này sẽ trở lại tại sự kiện “Durango Vintage Festivus” và điểm nhấn lần này thuộc về một chiếc quần jeans lâu đời nhất từ Levi’s sản xuất năm 1873 (hoặc có thể sớm hơn) – cũng là điểm bắt đầu của “American Denim”. Dự kiến rằng mức giá của chiếc quần này sẽ gấp đôi chiếc quần năm ngoái với số tiền khoảng $150,000 USD hoặc có thể còn điên rồ hơn mức này!

Phiên bản Levi’s cổ xưa từ năm 1873 nhìn từ mặt sau

Đôi nét về sự kiện “Durango Vintage Festivus”

Đây là sự kiện độc đáo của Brit Eaton hay còn gọi với cái tên Indiana Jeans – một “denim hunter” đích thực. Brit săn tìm & bán đồ cổ, quần áo cổ cho các nhà sưu tầm, viện bảo tàng, nhà thiết kế.. từ năm 1992 và sở hữu một cửa hàng ở Durango, Colorado tên là Carpe Denim. Brit đi vào những ngôi nhà, trang trại bỏ hoang và thậm chí cả những khu mỏ cũ đã đóng cửa để tìm kiếm đồ denim cổ xưa. Năm nay, sự kiện lần thứ 2 được tổ chức và diễn ra từ 28/9 – 1/10. Đây sẽ là nơi quy tụ những người bán hàng, nhà sưu tập đồ denim cổ hàng đầu và những người có cùng đam mê từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau chia sẻ, trưng bày và giao dịch. Ngoài điểm nhất nổi bật là chiếc quần jeans Levi’s từ năm 1873, 137 món đồ khác thuộc dạng “siêu hiếm” cũng sẽ được đấu giá trong sự kiện lần này.

Chi tiết mẫu quần thợ mỏ của Levi’s năm 1873

Chiếc quần denim (waist overall) của hãng Levi’s trong lần đấu giá này được biết đến (cho đến hiện tại) là chiếc quần Levi’s cổ xưa nhất trên thế giới. Nhà sử học Michael Alles Harris, người nổi tiếng với cuốn sách về denim “Jeans of the Old West” đã chia sẻ rằng chiếc quần này có lẽ được sản xuất trong thời kỳ đầu tiên khi thương hiệu Levi’s ra mắt. Chiếc quần ban đầu được tìm thấy trong một đống rác của thị trấn khai thác mỏ ở Nevada vào năm 1969. Nó có vòng eo 33 inch (~84 cm) và chiều dài ống quần (inseam) 27,5 inch (~ 70 cm), tổng chiều dài từ trên xuống dưới là 38 inch (~ 96,5 cm). Chất liệu denim của chiếc quần “đời đầu” này mỏng hơn các phiên bản tiếp theo của Levi’s & vải có cấu trúc dệt 2×1. Thông thường, hầu hết denim hiện nay đều được dệt theo kiểu dệt 3×1, tức ba sợi dọc (warp) đan xen một sợi ngang (weft) (đọc thêm tại Denim 3×1 – Quy cách dệt denim phổ biến)

Ở phía trước ống quần trái của chiếc quần có một mảnh vá lớn. Các đinh tán (rivet) không được dập tên thương hiệu, điều chỉ có ở phiên bản quần rất-đầu-tiên của Levi's. Năm 1874 - một năm sau khi đăng ký chính thức bằng sáng chế, họ bắt đầu dập nổi tên hãng lên các đinh tán này.
Túi đựng tiền xu (coin pocket) được đặt cao hơn thông thường và gắn vào lưng quần. Ở góc trên của túi đựng tiền xu, một chiếc đinh tán đã không còn ở đó nữa, có lẽ đã rơi ra sau cả trăm năm nằm trong đống rác, chiếc đinh tán đồng ở cạp quần vẫn còn giữ nguyên dù đã bị oxi hoá thành màu xanh ngọc.
Mặt sau chiếc quần có nhiều lỗ thủng ở ống quần và thiếu một phần ở dưới ống quần trái. Các vết rỉ sét có thể được nhìn thấy xung quanh các lỗ này. Điều này có thể là do tiếp xúc với các mảnh sắt rỉ trong đống rác. Chiếc quần chỉ có một túi sau bên phải, chiếc túi thứ hai trên quần jeans mà ta thấy ngày nay xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1900. Túi được gắn đinh tán lộ ra ngoài, có dấu hiệu bị oxy hóa nhiều. Không có đường Arcuate batwing trên túi sau, ở giữa lưng thắt lưng, bạn có thể thấy đường chỉ may hình chữ nhật nơi (có thể) đã từng có một miếng da dập thương hiệu Levi's. Ngoài ra, tăng lưng (back cinch) vẫn còn dù các nút cài đai lưng đã biến mất (suspender button).
Chi tiết túi quần sau
Chi tiết selvedge của mẫu quần

Tổng quan, đây là một chiếc quần Levi’s cổ xưa cực kì đắt giá bậc nhất trên thế giới, anh em tò mò có thể tham gia & xem trực tiếp buổi đấu giá tại đường dẫn bên dưới: www.liveauctioneers.com/auctioneer/8424/durango-vintage-festivus

Related Articles

Leave a Comment