Nguyên tắc thành công trong thời đại mới, làm được một phần là phải có phần kế tiếp. Mời anh em xem tiếp phần 2 của loạt bài Denimhead Soi Phim.
Before Sunrise (1995)
Tình đẹp là tình bơ vơ. Chuyện phim kể về cuộc gặp gỡ giữa Jesse (Ethan Hawk), một thanh niên thất tình đang tìm đường trốn chạy thực tại bằng cách mua ngay cho mình một chiếc vé rẻ nhất có thể đến châu Âu và Celine (Julie Delpy), một cô sinh viên Paris mộng mơ trên đường đến Bỉ thăm người thân. Họ gặp nhau trên chuyến tàu đến Brussels, mồm mép thế nào anh rủ được chị nhảy tàu và cùng nhau qua đêm ở Vienna, qua đêm ở đây không nằm trong dấu ngoặc kép vì họ đúng nghĩa dành cả buổi tối để đi dạo, nói chuyện và hôn nhau trên đu quay Wiener Riesenrad. Xem phim này chủ yếu là xem thoại, rất sâu và cao vời, chạm đến nhiều đề tài mà nhiều khi anh em ngồi phê pha cùng nhau cũng chưa chạm đến như không-thời gian, sự chết, nội tâm và mất mát. Đây là phần phim đầu của bộ ba phim “Before…” của đạo diễn Richard Linklater, series phim về tình yêu thật nhất bạn có thể xem trên màn ảnh, mà nghe tôi, xem Before Sunrise là đủ vui rồi, đừng xem đến phần cuối.

Bộ quần áo denim mà Jesse mặc trong phim này để lại ấn tượng với người viết vì…nó chỉ có như vậy, xuyên suốt phim, áo thun layer xám, áo khoác da, quần jeans bạc màu và Converse High Top.
Quần jeans của Jesse có dáng rộng rãi, cấu trúc năm túi cổ điển cùng button-fly, người viết mạnh dạn đoán là Levi’s 501® Original Fit. Áo khoác da của anh chàng dù không “chuẩn ngầu” với những detail kinh điển như áo biker của Marlon Brando mặc trong The Wild Ones; có thiết kế dài quá thắt lưng, cổ và ve áo may kiểu blazer, nhưng khi kết hợp với áo thun cổ tròn và quần jeans cùng giày thể thao, chúng ta có một outfit rất “con trai”, tưởng như rất đơn giản nhưng cũng đủ để lại ấn tượng mạnh mẽ với một cô gái lạ. Phong cách thong dong mặc đồ này cũng là một điểm đến khá hay cho những anh em mê denim nhưng ngại sự thô cứng của đồ da và quần heavy weight denim.
Phim có những shot quay fit check tinh tế đặc tả chiều dài ống quần hoàn hảo khi mix Denim và Converse, như thể không để cho ai quên Jesse là một cậu trai người Mỹ.




Initial D (2005)
Một phim Hồng Kông được chuyển thể từ bộ Manga và Anime cùng tên mà anh em mê Denim & mê xe JDM (Japanese Domestic Market – Xe nội địa Nhật Bản) chắc chắn không thể bỏ qua. Phim có mô tuýp “Hành trình Anh hùng” quen thuộc của các truyện tranh Nhật Bản, nhân vật chính Takumi vẻ ngoài tầm thường đi trên con đường trở thành người giỏi nhất, đến khi tưởng như thất bại thì nhận ra ông bố bê tha là huyền thoại ẩn thân, vật phẩm quèn luôn bên mình lại là một trong Tam Chủng Thần Khí thất lạc, vân vân mây mây đại loại thế. Bộ truyện Initial D góp phần đưa câu chuyện đua xe và độ xe Nhật Bản lên tầm văn hóa, một tay biến Toyota “Trueno” AE86 thành một trong những chiếc xe được dân chơi săn lùng nhất của hãng.
Quay lại thời trang trong phim, các nhân vật được phục trang khá giống với truyện dù đã gia giảm sự cường điệu. Bộ đồ giao đậu hũ của Takumi (Châu Kiệt Luân) gồm quần jeans ống rộng trông đơn giản nhưng là một bản raw denim đã fade khá nét (nhìn vô train track), áo thun trơn và sneaker, cụ thể là New Balance và Converse Chuck Taylor, phù hợp với tính cách tối giản của nhân vật.

Nhân vật Bunta của Huỳnh Thu Sanh còn ấn tượng hơn khi thường xuyên diện bộ outfit “thứ thiệt” gồm áo ba lỗ & quần jeans phối guốc mộc Geta, thái độ bất cần bất kham nhìn vào biết ngay ai là bố.

Sức hút của phim có lẽ đến từ hoài niệm về những điều cool ngầu của thập niên 2000s, với nhạc Synthwave EuroBeat, Xe đẹp, Đồ đẹp và những phân cảnh drift đổ đèo chỉ có anime mới nghĩ ra. Thời trang của phim được nâng tầm nhờ khí chất của dàn thiên vương Đài Loan và Hồng Kông đình đám thời đó gồm Châu Kiệt Luân, Dư Văn Lạc, Trần Quán Hy (anh tôi), toàn những anh hào diện đồ cực chất ngoài đời. Cho những anh em chưa biết, Dư Tổng hiện là founder của MADNESS, một brand có DNA chủ đạo là urban military, với chất lượng, thiết kế và giá thành không thua kém WTAPS hay thậm chí Visvim. Trần Tổng, bên cạnh bộ sưu tập video ngắn trứ danh ra mắt năm 2008, cũng đều đều thiết kế nhiều bộ sưu tập thời trang dưới thương hiệu CLOT và đã nhiều lần cộng tác cùng Levi’s.


Mud (2013)
Một phim rất underrated của đạo diễn Jeff Nichols, nội dung rất hay với diễn xuất đặc sệt nét nam tính miền nam nước Mỹ của Matthew McConaughey. McConaughey trong vai Mud (Bùn lầy), một kẻ ngoài vòng pháp luật, sống ẩn dật trên hoang đảo nhỏ giữa dòng Mississippi. Một ngày nọ, hai cậu nhóc Ellis và Neckbone vô tình gặp Mud và đồng ý giúp đỡ anh này tái hợp cùng cô bạn gái Juniper có hình xăm chim họa mi trên cánh tay (Reese Witherspoon). Sau đó là một chuỗi sự kiện mèo vờn chuột giữa Mud, Juniper, cảnh sát và những kẻ muốn báo thù cho nạn nhân của Mud.

Mud của Matthew McConaughey là sự pha trộn giữa Tarzan và E.T, một gã đàn ông với sức mạnh sinh tồn mãnh liệt mang trong lòng mong ước được trở về nhà, ở đây là bên cạnh người mình yêu. Ngay ở phân cảnh đầu tiên bên bờ nước, Matthew McConaughey gần như đã đóng đinh được ánh nhìn của người xem qua bộ trang phục mà người viết xin so sánh với một vị hoàng tử quyết định sống như một người vô gia cư: áo sơ mi rayon ngả vàng, quần jeans Levi’s 501 chuẩn từ fit, fade, sờn rách, ố vàng, một đôi cowboy boots đóng thánh giá dưới đế giày.


Cả outfit cứ như được lấy từ chính tủ đồ của nam diễn viên, một dân chơi denim và đồ cao bồi thứ thiệt ở Hollywood. Nhưng thật ra, trang phục này này là sản phẩm sáng tạo cá nhân của Matthew McConaughey với nhà thiết kế trang phục phim, Kari Perkins, người đã phải custom mọi chi tiết bẩn, sờn, rách để phản ánh đúng cuộc đời một kẻ chạy trốn, không bao giờ cởi bỏ bộ giáp denim của mình giữa lòng một hòn đảo đầm lầy. Cách làm việc này khiến chúng ta liên tưởng đến triết lý làm đồ Fade Replicate mà những vintage denim brand cao cấp áp dụng, tất cả phải được tái hiện với sự hiểu biết về lịch sử và kĩ thuật của denim, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang tính kể chuyện. Thật thú vị khi biết rằng những nhà kể chuyện đỉnh cao từ địa hạt điện ảnh cũng thấm nhuần cùng tư tưởng denim như anh em chúng ta.

Mid90s (2018)
Mid90s đúng như tên gọi, là một bộ phim lấy bối cảnh ở Los Angeles vào những năm 1990s theo chân một cậu bé “skaterat” (tạm dịch: trượt ván vô pháp vô thiên) 13 tuổi tên Stevie trên con đường tìm mình, phải tự mày mò về cuộc đời, về chất kích thích và tình dục. Stevie và những người bạn của mình ở cái độ tuổi mà một lời thoại trong phim mô tả rất chuẩn về sự trưởng thành của một đứa con trai : ”Độ tuổi đáng yêu trước khi trở thành một thằng đầu b* ”

Phim này có thể xem như một block quảng cáo một tiếng rưỡi cho “aesthetic” trượt ván đường phố, với hàng loạt brand đình đám thời đó (và cả bây giờ nếu anh em vẫn còn quan tâm tới cách ăn mặc này) như JNCO, Droors, Blind Skateboard, Dickies, Levi’s… những vintage brand đàn anh tạo cảm hứng cho một siêu cường streetwear về sau là Supreme. Phong cách này hiện nay được anh chị em chơi đồ gọi tên là Y2K, với item đầu tàu là quần baggy jeans, phối cùng Adidas Samba hoặc Vans.


Denim đóng một vai trò nổi bật trong thời trang và phong cách của các nhân vật trong Mid90s, các nhân vật mặc quần baggy jeans, áo thun rộng 2 đến 3 size so với thân hình và luôn trong tình trạng sờn mòn, đúng tinh thần đường phố, gu thẩm mỹ nổi loạn và bụi bặm của thời đại. Phong cách denim này phổ biến vào những năm 90 bởi sự ảnh hưởng của những nhóm tiểu văn hóa cùng thời, bao gồm grunge, punk và trượt ván.
Ngày nay, anh em không cần phải biết kickflip hay ollie để có thể mặc áo thun Thrasher dạo mấy vòng phố đi bộ. Nhưng ở bối cảnh phim vào những năm tháng cũ, ranh giới văn hóa dường như rõ ràng hơn. Mặc một chiếc áo thun Blind kèm với quần jeans JNCO, ngay lập tức khiến anh em trở nên khác biệt, một dạng dấu hiệu cho văn hóa sống của mình. Nó như một lời tự sự, rằng tôi thuộc về một bộ lạc và chúng tôi di chuyển bằng ván trượt.

Ngay cả bản thân đạo diễn Jonah Hill cũng đã phát triển rất nhiều về phong cách cá nhân sau khi làm phim này, anh tích cực giảm cân và dần trở thành một Streetwear Icon chính hiệu, lấy vintage và skate aesthetic làm phong cách chủ đạo.

Once upon a time in Hollywood (2019)
Nội dung phim của Tarantino thì tôi xin không tóm tắt, vì phần lớn phim của vị đạo diễn quái kiệt này (đến nay là 9 phim) hầu như cốt truyện chỉ là để tạo tiền đề cho cái nghệ thuật thực sự của ông: hội thoại và split-second ultra-violence (tạm dịch: siêu bạo lực chớp nhoáng). Các nhân vật trong phim đa phần có chung một nét tính cách là hơi tưng tửng, thế giới quan cá nhân gãy đổ, một số mang theo quá khứ đau thương, gu hài hước đen tối và tất cả, tất cả đều nói rất nhiều, như thể họ đổ hết lòng mình mỗi khi được nói.

Phim này thì chắc anh em nào mê denim cũng phải xem rồi, tôi dám cá anh em xem xong là sẽ google ngay “Brad Pitt denim jacket” để lấy ý tưởng mua đồ và mặc đồ, song không phải ai cũng đủ may mắn để sở hữu chiếc Wrangler 24MJZ true vintage 70s, đành “ngậm ngùi” nhìn sang trái và mua 124MJZ. Bản thân người viết cũng đi chính con đường này dù rất ít khi mặc denim jacket, nói để thấy độ ảnh hưởng của phim này lên cộng đồng denim chúng ta.


Cliff Booth của Brad Pitt trong phim là hình mẫu alpha male được Hollywood lãng mạn hóa, một nam nhân đáng tin cậy, luôn mang đến sự an toàn khi xuất hiện trên cảnh phim với một quá khứ đen tối (dù tòa xử trắng án, như một lời mỉa mai đến vụ án chấn động của OJ Simpson), và thời trang của nhân vật thể hiện rõ điều đó. Bên cạnh outfit Wrangler nổi như cồn kể trên, Cliff còn thể hiện mình là một người có gu khi diện rất nhiều item chiến thần như bộ Natural Denim của Levi’s, áo Aloha, áo thun Champions, kính aviator và một con đồng hồ Citizen Bullhead trên dây da bản to kiểu quân đội. Phục trang đã tạo nên một hình ảnh Cliff Booth đỉnh cao sức mạnh nam tính, người có thể solo với Lý Tiểu Long.


Còn đối với tôi, thật ra, phân cảnh phim có denim đẹp nhất thuộc về Margot Robbie, trong vai Sharon Tate đang mặc denim shorts sờn rách tua rua nhún nhảy trên nền nhạc Son of a Lovin’ man.

Xem càng nhiều phim, người viết dần nhận ra mẫu số chung cho nét đẹp của denim trong điện ảnh: Món đồ không quan trọng bằng cách chúng được mặc lên người. Những outfit được đề cập trong loạt bài Denimhead soi phim này chỉ là một phần thuộc về cá tính và câu chuyện cuộc đời mà nhân vật muốn kể, đẹp vì câu chuyện đẹp, hay ho vì cá tính hay ho. Công thức này cũng đúng với anh em chúng ta mỗi ngày, đừng quá quan trọng hoá những tiểu tiết của món đồ, hãy tự viết ra một câu chuyện cuộc đời thật hay để nét đẹp tự thân nó “thấm đẫm” (dripping) ra bên ngoài như cách mà denim luôn luôn gần gũi & sống động vậy.