DENIMHEAD SOI PHIM | VOL. 1

by RauRia

Phục trang là một khâu rất quan trọng trong sản xuất phim, có hẳn một hạng mục riêng ở những giải thưởng điện ảnh lớn, với mục tiêu là lột tả tính cách nhân vật hoặc thể hiện yếu tố thời gian, địa lý của bối cảnh phim. Với những anh em #VNRD yêu thích phim ảnh, việc xem phim chắc sẽ còn vui hơn gấp đôi nếu được nhìn thấy một outfit đẹp được phối với denim. Từ lúc bắt đầu quan tâm sâu sắc hơn đến raw denim, người viết cũng đã dần hình thành một thói quen “soi đồ” khi xem phim, nhất là những bộ phim làm về niên đại xưa cũ. Và cũng giống như không biết “quả trứng có trước hay con gà có trước”, tôi bất giác thấy mình xem nhiều phim ở thập niên 70s đến 90s hơn, vì muốn ngắm nghía vẻ đẹp của đồ denim được “phục dựng” trên phim, nhưng hơn hết, là cách denim đã mang theo câu chuyện của bộ phim trên mình như thế nào.

Trên con đường chơi mà học, học mà chơi này, những bộ phim kể sau đây đã để lại nhiều ấn tượng nhất với người viết khi nói đến denim trên điện ảnh. Đây không phải là một bài review phim nên mong anh em đừng mong đợi những nhìn nhận quá sâu sắc về chất lượng nghệ thuật hay cốt truyện. Và vì tất cả phim ở đây đều không quá nặng về cốt truyện, anh em cứ bình tĩnh mà xem phim nếu cảm thấy bài viết có hơi spoil nội dung, trải nghiệm xem sẽ không bị ảnh hưởng.

Stand by Me (1986) – Sự vô tư của Denim.

Chuyện phim kể về chuyến hành trình của 4 cậu nhóc tuổi ăn tuổi lớn, Gordie (Wil Wheaton), Chris (River Phoenix), Vern (Jerry O’Connell), and Teddy (Corey Feldman), sau khi kháo với nhau rằng có một xác chết trong rừng gần đó và muốn vào đó tìm xác để giành công với cảnh sát. Cuộc đi bộ vào rừng kéo dài hai ngày này thực chất là một chuyến đi của tâm hồn, khi từng đứa bắt đầu nói về cuộc đời mình, cùng với nỗi đau và nỗi sợ tưởng rằng của trẻ con nhưng lại rất người lớn. Gordie, người kể chuyện, nhà giàu nhất, lúc nào cũng sống dưới cái bóng của anh trai và sợ mình không đủ tài giỏi như bố mẹ mong đợi. Chris, đứa trưởng thành nhất và cũng hư đốn nhất, hút thuốc, đánh nhau, chửi thề, do bị ép chín trong một gia môn bạo hành, luôn mang nỗi nhục nhã của một đứa trẻ bị hiểu lầm. Vern là thằng béo thường thấy trong mọi câu chuyện, buồn bã vì mình lúc nào cũng là trò cười và Teddy, với người cha tâm thần, lo sợ đó là một chứng bệnh di truyền. Chuyến đi kết thúc, cả đám chia tay nhau ở ngã ba đường, là hình ảnh ẩn dụ cho sự trưởng thành. Stand by Me cũng là nguồn cảm hứng lớn cho series Stranger Things sau này. 

Chuyện denim, trong phim, Gordie và Chris là hai nhân vật mặc denim, trong khi Vern và Teddy mặc quần tây chỉn chu hơn. Hai chiếc quần jeans đều bạc phếch, cũ mèm. Quần của Gordie còn có vết vá gối khá nổi bật dù cậu này con nhà giàu. Có thể suy đoán rằng, Gordie không thực sự được bố mẹ quan tâm và sống có phần tự ti, song song đó là Chris, hoàn toàn thiếu đi tình cảm gia đình nhưng vẫn phải gồng mình sống thật gai góc. Hai cậu này về sau tự mình vượt qua mọi rào cản để trở thành người thành công trong xã hội, cũng là một lời chứng mình cho bản tính mạnh mẽ có sẵn trong người. Gordie và Chris cũng là hai người thân nhau nhất sau chuyến hành trình vĩ đại nhất tuổi thơ của bốn đứa, để cho tới hơn 20 năm sau, Gordie lúc này đã là một nhà văn lớn, vẫn đau lòng viết trong đoạn kết quyển sách của mình, “Tôi từ đó không còn có một người bạn nào như chúng tôi của năm 12 tuổi. Chúa ơi, ai cũng vậy sao?”

R.I.P River Phoenix, diễn viên trong vai Chris, một nam chính triển vọng của Hollywood nhưng qua đời quá sớm ở tuổi 23.

The Bridges of Madison County (1995) – Denim của người cao bồi già không còn súng

Chuyện phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “ba xu” cùng tên của nhà văn Robert James Waller, được đạo diễn và đóng chính bởi Clint Eastwood, người đạt đến đỉnh cao nhờ dòng phim cao bồi. Phim kể về cuộc tình nồng nàn chóng vánh của một nhiếp ảnh gia tên Robert (Clint Eastwood) với một bà nội trợ buồn ở Iowa, Francesca (Meryl Streep). Chuyện phim chỉ kéo dài trong 4 ngày, cũng là khoảng thời gian chồng và hai con của Francesca đi xa, để bà ở nhà một mình và vô tình gặp Robert ghé sang hỏi đường, hỏi luôn đường vào tim em ôi băng giá. Nhịp phim chậm, rất chậm nhất là ở khoảng 20 phút đầu, nhưng nếu anh em cố mà thức qua được liều thuốc mê này thì sẽ nhận ra đây là một trong những bộ phim tình cảm đẹp nhất của thế kỉ 20. Dưới góc nhìn của Clint Eastwood, bộ phim được nhận định là nâng tầm tác phẩm gốc và trở thành tiền đề cho một vở nhạc kịch về sau. Được dẫn dắt bởi hai huyền thoại diễn xuất mọi thời đại của Hollywood, Madison County mang sức nặng chất vấn về tình yêu trong sâu thẳm mà nhiều người thường hay bỏ quên dưới áp lực của sai hay đúng. Phim này nếu đem so với một phim cùng đề tài tình yêu bị ngăn cấm là In the mood for love của Vương Gia Vệ, tôi vẫn thích hơn vì tính phổ quát, không đặc thù theo một xã hội hay đất nước nào do bối cảnh là ở miền hoang vu miền trung nước Mỹ, từ đó thật hơn rất nhiều.

Chắc nhiều anh em sẽ hỏi tôi tại sao không phải là một phim nào khác của Clint Eastwood trong hằng hà sa phim cao bồi, dòng phim góp phần đưa denim đến với thị hiếu đại chúng? Đó là vì Robert trong Madison County cũng là một người cao bồi, cũng rong ruổi, cũng bóp cò nhưng không phải là súng mà là shutter của máy ảnh. Robert đẹp đẽ hơn bởi lẽ nhân vật này có một nét vững chãi ở độ tuổi lục tuần, cô độc hơn và trên hết, yêu nồng thắm hơn.

Mặc dù trên bề mặt, nhân vật Robert có thể thiếu những nét nhân cách điển hình làm nên tên tuổi Eastwood: gai góc, khắc kỷ và mạnh mẽ, nhưng ở nhân vật này chúng ta vẫn có thể nhìn thấy tất cả những điều đó nằm ẩn dấu dưới hốc mắt sâu của một người đàn ông trải đời. Xuyên suốt phim,  đồng hành trong chuyến đi khắp nước Mỹ để chụp ảnh cho National Geographic của Robert, Clint Eastwood vẫn ăn mặc như một anh cao bồi già với quần jeans kèm suspender và western shirt, cùng một chiếc máy ảnh luôn đeo chéo thân. Francesca của Meryl Streep cũng diện denim và sơ mi trắng trong phân cảnh đi hẹn hò cùng Robert, như một ẩn dụ khéo léo về ý muốn thoát ly khỏi danh tính thường nhật là một người vợ, khi bà chủ yếu mặc một chiếc váy voan trắng.

No Country for Old Men (2007) – Denim, áo giáp của những gã cao bồi hiện đại

Chuyện phim, Anton Chigurh! Đúng vậy đó, phim này anh em chỉ cần xem Javier Bardem trong quả đầu bob hóa thân thành một con ác quỷ hồn nhiên nổi điên, đại khai sát giới là đủ! Nội dung phim kể về một ván cảnh sát bắt cướp độ khó cao của vài gã đàn ông quanh một vali tiền buôn ma túy. Phim không có nhân vật trung tâm, hầu như không có cốt truyện mà chỉ là tập trung đặc tả màu sắc của nhiều loại tính nam và nhiều bản ngã con người khác nhau qua nhiều nhân vật. Llewelyn Moss (Josh Brolin) là một nhân vật “Adam da trắng” điển hình, Anton là cái ác thuần túy hay ông cảnh sát trưởng già (Tommy Lee Jones) là một cựu “alpha male” thất thểu giữa thời đại mới. Cảm giác sau khi xem chắc là giống như có một cây kim may nằm dưới da mình, không rõ ở đâu, không biết nó nằm đó từ khi nào, chỉ biết là rất ngứa ngáy, nhưng không thể gãi vi không biết gãi ở đâu, đúng cái chất phim của anh em nhà Coen.

Nói về denim trong phim, vì là một dạng phim Viễn Tây thời hiện đại thập niên 80s, hầu hết nhân vật trong phim đều diện denim như một bổn phận giữa bối cảnh sa mạc hoang vu bang Texas. Llewelyn xuyên suốt phim đều diện một bộ cánh cao bồi đúng nghĩa với áo Western Shirt và quần Levi’s 505 Regular Fit, hết sức phù hợp với nghề anh thợ hàn may mắn, từng là cựu quân nhân nên cực kì thành thạo với súng ống. Anh này là hiện thân của một Adam nước Mỹ, một mô-tuýp văn hóa đại chúng về hình ảnh một người đàn ông sành sỏi, thông minh, có thể làm tất cả mọi thứ bằng đôi tay của mình và nhất là “không ngán thằng nào”.

Anton Chigurh thì nhẹ nhàng hơn, diện đúng duy nhất một bộ đồ xuyên suốt phim, áo khoác Trucker Dark Denim, Work Shirt, Perma-Press Western Jeans và Cowboy Boots. Hắn như một con quỷ ẩn danh giữa đời thường, trong khi mọi nhân vật khác đều mặc quần kaki hoặc denim đã bạc màu, outfit của Anton luôn phẳng phiu, đen như mực, nổi bật như một lỗ đen trong mọi khung hình. Dù đồ sát bao nhiêu người, quần áo của hắn vẫn luôn sạch sẽ phẳng phiu, đó chính là điểm đáng sợ nhất của nhân vật này. 

Drive (2012) – Denim quyến rũ chết người

Drive là một bộ phim hành động ra mắt năm 2012 rất “John Wick” từ trước khi có cả John Wick, với góc nhìn lãng mạn và cường điệu hóa cuộc đời bạo lực của xã hội đen qua diễn xuất của “Chàng thơ” Ryan Gosling. Ryan Gosling vào vai chính là một anh “Grab Car” kiêm cascadeur không tên, kiệm lời, chuyên nhận chở khách vip là dân anh chị. Grab Car sống một cuộc đời rất riêng tư và khắc kỉ trong một khu chung cư cũ, “nhà nàng ở cạnh nhà tôi” là một người phụ nữ trẻ lấy “báo” làm chồng đang ở cùng con trai, cả gia đình này đang bị giang hồ hăm he do anh chồng nợ nần nhiều nghìn đô la. Vòng xoáy của nợ tiền và kiếm tiền bẩn đưa Grab Car vào một phi vụ làm ăn liên quan tới nhiều bang hội lớn ở Los Angeles với cái kết mở đúng chất phim Cao Bồi Viễn Tây.

Bộ đồ Denim mà Ryan Gosling mặc trong phim này chỉ có thể miêu tả bằng hai từ “Quyến Rũ”. Phối bởi một chiếc Levi’s Type 3 Denim Jacket (Levi’s Vintage Clothing), bên trong là áo henley undershirt nhìn tưởng vớ vẩn nhưng lại là hàng Mister Freedom và một chiếc quần Raw Denim Slim Fit Jeans. Nhưng điểm 10 chất lượng của các outfit trong phim này chắc chắn là chiếc áo khoác Bomber Jacket Satin chần bông màu trắng với họa tiết con bọ cạp vàng sau lưng, được custom-made cho phim. Tất cả những trang phục trên phim đều có một ý nghĩa rất rõ ràng đối với nhân vật, chứng tỏ Grab Car là một người sống đơn giản với vài bộ áo quần nhưng cực kì nam tính, không quan tâm đến xu hướng mà chỉ tập trung vào việc mình làm và sống cuộc đời theo cách của chính mình. Drive là một trong số ít phim có phần phục trang denim mang tính biểu tượng lớn và theo tôi là trong top những phim có phục trang denim đẹp nhất lịch sử điện ảnh.

Call Me by Your Name (2017) – Denim nhẹ nhàng như thơ

Một phim rất thơ về mối tình đầu dưới nắng hè miền quê nước Ý của Elio (Timothee Chalamet), một chàng trai 17 tuổi  nhưng chắc chẳng bẻ cong được bất cứ thứ gì khác trên đời ngoài Oliver (Armie Hammer), một nghiên cứu sinh người Mỹ, học trò của cha Elio. Bộ phim khám phá các chủ đề về mối tình đầu, tuổi mới lớn và sự khám phá bản thân, cũng như sự phức tạp của các mối quan hệ và những thách thức của quá trình trưởng thành. Call Me by Your Name ghi lại những niềm vui và sự đau khổ của tuổi trẻ, đồng thời khám phá sức mạnh biến đổi của tình yêu và những bài học có thể học được từ nó. 

Denim trong phim này không còn là một phương tiện chuyên chở sự nam tính mãnh liệt ra vẻ bên ngoài, mà nhẹ nhàng như gió thổi, như lá rơi.  Elio thường xuyên diện áo khoác denim và quần jean, và xuất hiện nhiều nhất là một chiếc quần short denim tinh nghịch. Phong cách giản dị và thoải mái, phản ánh bầu không khí thơ thẩn của vùng nông thôn Ý nơi bối cảnh phim. Trong một phân cảnh khi Elio ngồi chơi ghi-ta cởi trần chỉ mặc quần đùi cắt ngắn, là ví dụ cho sự nam tính nhẹ như thơ mà tôi vừa đề cập. Cảnh này đã trở thành biểu tượng và thường được coi là một ví dụ của bộ phim miêu tả về tuổi trẻ, vẻ đẹp và sự thể hiện bản thân.

Oliver, nhân vật chính còn lại trong Call Me by Your Name, có phong cách khác hẳn Elio. Trong khi phong cách của Elio thoải mái và giản dị hơn thì Oliver lại có vẻ ngoài bóng bẩy và bảnh bao hơn. Anh đến Ý trong một bộ quần áo sơ mi sơ-vin, nhưng sau đó dành phần lớn thời lượng của bộ phim để đạp xe quanh vùng nông thôn trong chiếc quần đùi thể thao hoặc quần bơi có như không. Ngoài áo sơ mi Oxford và giày lười, Oliver cũng có vài món denim, nếu để ý kĩ, phong cách ăn mặc của Oliver từ đầu phim sẽ dần thoải mái và được denim hóa nhiều hơn ở cuối phim, như thể hiện sự đồng ý của nhân vật với phong cách sống của Elio, một người anh yêu vội vàng nhưng không thể giữ lại. 

Denim là yếu tố chính tạo nên phong cách của phim và góp phần tạo nên cảm giác hoài cổ, trang phục mùa hè cho bộ phim. Thi thoảng sẽ có một bộ phim để lại ấn tượng đủ mạnh để khiến đàn ông muốn thử một phong cách ăn mặc mới. Call Me by Your Name là một bộ phim như vậy.

Related Articles

Leave a Comment