NHỮNG CÁCH “CHƠI” DENIM CỦA #VNRD

by RauRia

Sưu tầm chắc hẳn là một trong những thú chơi đa dạng và lâu đời nhất của loài người chúng ta. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng từ khoảng 10 vạn năm trước, con người đã “sưu tập” các tinh thể pha lê ở vùng Kalahari miền nam châu Phi, những tinh thể này được mang đến từ một nơi khác rất xa và không tồn tại trong tự nhiên gần khu vực mà chúng được tìm thấy.

Có rất nhiều lý do khiến chúng ta ham thích sưu tầm, một số làm điều đó vì niềm vui; những người khác lại là để nghiên cứu; cũng có những người tìm kiếm địa vị hoặc danh tiếng; và nhiều người lại sưu tầm để thể hiện tình yêu hay cái tôi.
Người viết, là một người có thú vui sưu tầm nhiều món đồ, đã tự lý giải với mình (và với bố mẹ hoặc vợ) cho đam mê này bằng tình yêu với những giá trị vô hình. Khi mình yêu một khái niệm đủ nhiều, nhu cầu tiếp theo sẽ là muốn sở hữu chúng thông qua những gì cầm nắm được. Bạn sưu tầm đồ chơi action figure vì muốn thực sự sở hữu những nhân vật mình yêu thích, bạn sưu tầm đồng hồ hay máy ảnh film vì say mê những bánh răng và cách chúng vận hành cùng nhau. Còn trong bộ môn denim này, tôi xin phép võ đoán cho tất cả anh em của VNRD, là thứ tình yêu về những giá trị xưa cũ khó tìm thấy trong thời trang của thế hệ này: nét đẹp vượt thời gian, bền bỉ, chất lượng cao và tính cá nhân hóa lớn. Dù là vì lí do gì đi nữa, tôi tin rằng xuất phát điểm của anh em cũng đến từ một trong hai loại lợi ích: lợi ích về chức năng hoặc lợi ích về tinh thần. Trên phân loại đó, sau đây là một số cách chơi mà dễ dàng quan sát thấy trong cộng đồng chúng ta.

A. CHƠI TÍNH LỊCH SỬ

1. Trong hiện vật denim

Chắc không món đồ nào trong lịch sử thời trang có nhiều nhà “khảo cổ” như đối với denim, hầu như mọi thông tin để tạo nên một chiếc quần denim jeans đều được những nhà sưu tầm dò xét kĩ lưỡng và lí giải theo bối cảnh lịch sử mà nó được tạo nên. Tất cả những mẫu quần jeans ra đời từ thế kỉ 19 đến thập niên 60s/70s tại Mỹ đều là đối tượng săn lùng của những nhà “khảo cổ denim”, có thể kể đến như Lee, Wrangler, và nổi tiếng nhất vẫn là chiếc quần huyền thoại Levi’s 501.

Để sở hữu một chiếc quần jeans, hoặc áo jacket cổ đúng niên đại (còn gọi là “true vintage”) có thể sẽ tiêu tốn của anh em hàng trăm hoặc thậm chí là hàng ngàn đô la, một số tiền không hề nhỏ, nhất là khi được áp lên sản phẩm là một món trang phục sờn cũ. Cách chơi này cũng giống như sưu tầm cổ vật khi những nhà sưu tầm tôn trọng Tính nghệ nhân của món đồ mà họ mua, một loại giá trị bậc cao trong xã hội. Tính nghệ nhân của denim nằm ở những ghi chép về chất lượng vải được dệt, phương pháp sản xuất mang nhiều tính thủ công hơn và quá trình suy nghĩ của hãng khi tạo nên những mẫu quần để phù hợp với giai đoạn lịch sử đó. Một điểm nữa cũng ảnh hưởng đến độ quý hiếm của denim cổ là sản lượng thấp do chỉ được sản xuất bên trong nước Mỹ, bởi người Mỹ. “Made in U.S.A.” từ đó trở thành một con tem bảo chứng bảy phần có cơ sở và ba phần cả tin. Việc cầm nắm được một phần lịch sử trong tay chắc chắn là lợi ích tinh thần to lớn mà nhiều anh em muốn trải nghiệm, còn ở một mức nhu cầu thấp hơn, là nhận được sự tán dương của các anh em “nghiện” khác. 

2. Trong lối sống và mặc denim

Một hình thức khác của cách chơi này là ở khía cạnh phong cách. Menswear là một đại dương muôn màu muôn vẻ, trong đó có một trường phái phát triển âm thầm nhưng rất mạnh là Heritage Menswear (tạm dịch: Thời trang di sản). 

Ảnh hai anh thợ xây Hoàng Trần và Khoa Nguyễn tại Hồ Con Rùa.
Nguồn: Group VNRD

Đối với hầu hết những anh em yêu thích phong cách Heritage (raw denim, boots, áo khoác da, vải dạ, v.v.), ngoài Tính nghệ nhân và chất lượng cao của món quần áo như được đề cập bên trên, chính nét đẹp của một người đàn ông cổ điển là điều thu hút anh em đến với phong cách ăn mặc này. Khi không muốn chạy theo những thứ mới mẻ của thời trang, chúng ta lui về với vẻ đẹp đã được định danh từ lâu. Để được gọi là di sản thì ngoài vẻ đẹp trường tồn và không thể bàn cãi, nét đẹp của denim còn đến từ sự tinh tế đơn sắc không khoa trương của nó, một sự lựa chọn rất đàn ông.

“The well-dressed man is he whose clothes you never notice.” — William Somerset Maugham

“Một người đàn ông mặc đẹp là người bạn không chú ý đến quần áo họ đang mặc là gì” — William Somerset Maugham
Nét đẹp đàn ông trường tồn của Steve McQueen – The King of Cool khi diện Double Denim.
Nguồn: Pinterest

Như đã được đề cập ở bài Denim trong câu chuyện văn hóa Mỹ, Người Nhật là những người đi đầu của phong cách này, kéo theo một lối sống bao phủ qua nhiều phong cách khác nhau như Vintage Workwear, Vintage Military, Preppy-Ivy Style… mà denim là item gần như chủ chốt.

Sẽ có người ham thích hình ảnh của một giai đoạn lịch sử cụ thể mà muốn hòa mình vào nó thông qua áo quần, thậm chí là những vật dụng sinh hoạt cũng như hoạt động vintage khác nữa. 

Hoạt động Vintage camping của anh Đặng Nhật.
Nguồn: Facebook Đặng Nhật

B. CHƠI FADE

“Clothes mean nothing until someone lives in them.” — Marc Jacobs

“Quần áo chẳng có ý nghĩa gì cho đến khi có người mặc và sống cùng chúng” – Marc Jacobs

Sờn cũ là tính chất gắn liền với đồ denim vì trong lịch sử đây là một loại chất liệu của đồ bảo hộ lao động. Những anh thợ mỏ, những chàng cao bồi năm xưa chắc không thể ngờ rằng cuộc đời thường nhật của mình được kể qua những nếp phai (fade) lại có thể trở nên đáng ao ước như vậy với giới thanh niên của nhiều thập kỉ sau. Tính chất này được xem là một nét đẹp kể từ khi quần denim jeans được lãng mạn hóa ở “Thập niên đong đưa 1960s” nhờ lối sống Hippie đề cao tính cá nhân của người mặc. 

Nhiều anh em Việt Nam tiếp cận với jeans pre-washed trước khi đến với raw denim, đều chắc đã từng mê mẩn những nếp phai được hãng làm sẵn trên chiếc quần nằm chễm chệ giữa một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi. Nhưng cùng với thời gian rong chơi trong bộ môn raw denim này, chúng ta nhận ra, nét đẹp phải đến từ cách món đồ denim được fade vì những câu chuyện có thật, phản chiếu phong cách sống của mỗi cá nhân sở hữu. Chúng tôi hay nói với nhau rằng, thật ra chơi fade chính là chơi cuộc sống, thú chơi này đề cao việc bạn mặc một chiếc quần như là chất liệu kể chuyện để người đối diện hiểu hơn về con người bạn. Vì vậy, khi chơi đủ lâu và thấu cảm nhận được vẻ đẹp này, bản thân bạn sẽ nhìn vào những chiếc quần washed một cách xét nét hơn. Nếu xem cuộc đời là người kể chuyện, thì mọi chi tiết fade đều hoàn toàn nằm trong một chuỗi logic rất tự nhiên tạo nên một nét đẹp chỉn chu.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là chiếc quần Pre-washed Denim nào cũng được sinh ra như nhau. Để phục vụ những anh em đam mê vẻ đẹp của nét phai nhưng không muốn cày quần (và thật ra có cày cũng chưa chắc đẹp như ý), nhiều hãng raw denim danh tiếng cũng có những dòng sản phẩm Pre-washed cao cấp (thường gọi là phiên bản Fade Replicate – hay Fade Repro.), được thực hiện với tâm huyết và sự chú ý đến chi tiết một cách điêu luyện dựa trên những tiêu bản Fade Denim đẹp nhất.

Sự chính xác và tôn trọng nguyên bản đến từ những điều nhỏ nhất như chất liệu vải, Button Fly (nút gài), Zipper Fly (khóa kéo), cho đến cả cách thức ráp may như đi ChainstitchBartack. Nhờ đó mà mọi tính chất như độ phai màu, đá ống, xoắn thừng (rope fade)…đều được tái hiện với sự hiểu biết về lịch sử và kĩ thuật của denim, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa mang tính kể chuyện cực cao. Trong tất cả loại hình nghệ thuật, chi tiết là sự khác biệt giữa thầy và trò.

Nổi bật nhất có thể kể đến Levi’s Vintage Clothing, Lee Archive, Wrangler Archive, hoặc những hãng của Nhật chuyên trị đồ Pre-washed Denim như Sugarcane dòng “Lone Star”, Warehouse, Fullcount, Orslow, Anachronorm…

Nhằm tôn vinh lối chơi thú vị đậm chất raw này, Cộng đồng Vietnam Raw Denim đã tổ chức VNRD FADE CONTEST 2022-2023 để anh em có cơ hội tự mình trải nghiệm phai màu một chiếc quần jeans theo đúng nghĩa của nó.

C. CHƠI THỜI TRANG

Ngoài phong cách Heritage đã được đề cập ở trên, denim xuất hiện trong hầu hết các phong cách thời trang của nam giới, từ thời trang đường phố (streetwear) đến những runway ở Châu Âu. Trước khi trở thành một Denimhead, tôi là một Sneakerhead. Vì đàn ông con trai chúng ta không có nhiều lựa chọn trang phục cho phần dưới cơ thể, chỉ có thể mặc quần, không dài thì ngắn, không rộng thì ôm, không cứng thì mềm, nên quần Denim Jeans gần như là câu trả lời dễ nhất cho việc chọn lựa quần của anh em.

Thuộc thế hệ đầu 9x, người viết đã trưởng thành qua nhiều giai đoạn thời trang khác nhau, đồng thời quan sát thấy rất nhiều sự thay đổi của cách mặc denim ở nam giới. Chắc các bạn cũng sẽ công nhận rằng đối với một sneakerhead, quần là item ít được quan tâm nhất, miễn là nó không che khuất đi đôi giày mắc tiền của bạn, còn lại từ màu sắc, form dáng tới chất liệu, đều không quan trọng. Giày đẹp là mặc đẹp. 

Những năm tháng đó, tôi đã mặc quần jeans theo công thức chuẩn mực sách giáo khoa của dân chơi 9x, áo Bape hoặc big white tee, quần baggy jeans, dây nịt blingbling xoay 1 phút không ngưng và đôi sneaker chiến nhất tủ đồ.

Chuẩn mực sách giáo khoa của dân chơi 9x.
Nguồn: Pinterest

Phong cách này tuy không còn được ưa chuộng rộng rãi trong giới trẻ, nhưng vẫn là một nét đẹp của thời đại, nếu đúng như cách thời trang vận hành thì chắc chắn trong tương lai không xa, nó sẽ trở lại. Vẫn có nhiều nhóm chơi nhỏ chọn quần baggy phối cùng sneakers như Bapestar, Nike AF1…Một nhân vật tiêu biểu của phong cách này ở thời điểm hiện tại là Keezy TV.

Chơi lâu cộng với kinh nghiệm sống nhiều hơn khiến góc nhìn thay đổi, mặc đẹp giờ là sự tổng hòa của tất cả những món đồ trên người và vì đôi chân chúng ta chiếm hơn một nửa chiều dài cơ thể, lẽ nhiên, mặc quần đẹp chính là mặc đồ đẹp. Đây là một loại kiến thức cần phải học, với cách học trực quan nhất là follow các anh em mặc đẹp khác trên mạng xã hội. Sẽ không khó để bạn mua và mang một đôi sneakers đẹp y như idol của mình, nhưng đối với quần, tin tôi đi, dù bạn có đang cầm đúng chiếc quần Levi’s 501 mà Nigo đang mặc trong hình này thì bạn và Nigo không thể nào mặc giống nhau 100%.

Mặc đồ đẹp như Nigo chính là mục tiêu đã đưa người viết đến với bộ môn raw denim và Group VNRD.
Nguồn: Pinterest

Thời trang thiết kế (đồ designer) cũng là một sân chơi lớn của denim, khi hầu như tất cả nhãn hàng thời trang cao cấp đều có ít nhất một góc nhìn riêng của mình về quần jeans, rất nhiều trong số đó đã đạt đến mức biểu tượng.

Bạn gầy như cây tăm với đôi chân cò? Để Heidi Slimane của Celine bán quần super slim cho bạn. Còn bạn thích phong cách vintage hiphop nhưng không muốn đi “nhặt” (thrift)? Demna Gvasalia đã bán bao nhiêu chiếc quần cho những anh chàng như bạn từ Vetements tới Balenciaga. Phi giới tính? Gucci! Style Mỹ chính tông? Ralph Lauren! Hoặc nếu bạn thích sự “chân chất” của denim, xin mời đến Levi’s với đủ dòng từ cao cấp đến dễ tiếp cận.

Điểm chung của designer jeans chính là sự biến tấu từ những fit quần denim cổ điển, họ không cần và cũng không thể làm mới một item kinh điển. Vì vậy, nếu điều anh em yêu là mỹ học của một nhà mốt và chọn đó là phong cách của mình, hãy thử xem runway của họ và để chính đôi tay mình biến tấu trên một chiếc quần jeans sẵn có (nên là quần có chất vải đủ tốt), tôi dám cá là kết quả về phần nhìn cũng phải lên đến một tám một mười nếu anh em có đủ kiến thức và hoa tay.

“The difference between style and fashion is quality.” – Giorgio Armani

“Sự khác biêt giữa phong cách và thời trang chính là chất lượng.” – Giorgio Armani

Và để nói về chất lượng, denim đã chiếm được cảm tình của tôi.

D. CHƠI VÌ TÍNH CỘNG ĐỒNG

Nếu những cách chơi bên trên là lí do ta bắt đầu, tính cộng đồng là lí do chúng ta ở lại. Thú chơi này là của những người yêu cái đẹp, say lịch sử và hơn hết, luôn muốn hướng tới giá trị sống tốt đẹp mà denim là thứ hữu hình đại diện. Chính ở những nơi chúng ta có thể cùng nói về đam mê của mình, tình bạn được kết thành. Bắt đầu sẽ là từ đam mê đồ denim, nhưng nếu may mắn, chúng ta sẽ còn tìm được những người bạn tâm giao thật sự nhờ sự “cùng tần số” ban đầu..

Để so sánh thú chơi này với một môn thể thao, tôi nghĩ là bộ môn Xe đua F1. Tính thể thao nằm ở sự vận động nội tại của từng cá nhân, ai cũng đều tìm tòi, nghiên cứu, một số thậm chí có cả phát minh mới, để hướng đến một mục đích chung là vượt qua giới hạn của cộng đồng. Vẫn có người bán, vẫn có kẻ mua, và những cuộc thi đấu ngấm ngầm không ai công nhận, nhưng sau tất cả thì những gì chúng ta làm được cho nhau là một tài sản chung, một cộng đồng lớn mạnh và những nguồn thông tin đắt giá dành cho những anh em tham gia sau.

Sự kết nối này là một món quà chúng ta may mắn có được, hãy cùng trân trọng nó.

Related Articles

Leave a Comment