Denim trong câu chuyện văn hóa Mỹ

by RauRia

Trend – hay xu hướng ăn mặc – có lẽ là thứ gây đau đầu nhiều nhất trong thế giới thời trang, cả cho người bán và kẻ mua. Năng lực dự đoán (hoặc thiết lập) xu hướng trở thành một điều không thể thiếu mà các nhà mốt hàng đầu thế giới hằng năm phải chi cả núi tiền cho những nghiên cứu tâm lý xã hội, thói quen chi tiêu, thậm chí là thẩm mỹ tiềm thức của cả thế hệ, chỉ để biết chính xác ai sẽ mặc gì trong 1 hoặc 2 năm tiếp theo. Sự tìm mới và tái lập này trở thành một vòng xoáy ngổn ngang của thông tin và chính kiến, là một nhịp vận động liên hồi có thể bóp nghẹt nhiều anh em muốn mặc đẹp. Và nằm bên ngoài vòng xoáy đó, chúng ta có denim, vững chãi đứng từ xa như một gã cao bồi ngắm nhìn đàn gia súc của mình, một chất liệu được xếp vào hạng mục kinh điển và đặc trưng nhất trên những chiếc quần còn gọi là jeans.

Tính trường tồn của quần jeans đến từ chất bền bỉ sẵn có của denim, độ đa năng trong phong cách mặc và nhất là nguồn gốc workwear dễ tiếp cận của nó. Anh em muốn mặc thế nào, khi nào hay ở đâu, thì một chiếc quần jeans cũng phục vụ được đúng nhu cầu. Nhờ đó mà trong suốt quá trình tồn tại qua nhiều thế kỉ, denim vẫn luôn phụng sự chủ nhân của chúng ở những cột mốc văn hóa lớn trong lịch sử, mà cụ thể là lịch sử nước Mỹ, nơi khai sinh ra quần jeans.

Thế kỉ 19, Cơn sốt Vàng và khởi đầu của văn hóa hustle.

ưvsdvsdv
Ảnh: History.com

Năm 1848, vàng lần đầu tiên được tìm thấy ở ngoại ô Sacramento, California, mở ra một thời kì người ta vẫn gọi là Gold Rush – Cơn Sốt Vàng kéo dài đến nhiều thập kỉ sau. Hàng vạn người (chủ yếu là nam giới) đã chấp nhận đánh đổi cuộc sống hiện tại, bán hết ruộng vườn đất đai, bỏ lại gia đình, vay mượn tiền của để đổ xô đến California với hi vọng “nhặt vàng rơi” đổi đời, tạo nên một trong những sự kiện di dân lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Trong vòng chưa đầy hai năm tính đến cuối năm 1849, dân số ở San Francisco tăng gấp hơn 1000 lần, một đám đông hung hãn không có gì để mất và đầy bạo lực. Những người này được lịch sử gọi là 49-ersAnh Em 49.

Cũng trong số Anh Em 49 đó, dù đến chơi muộn hơn, có một thương nhân tên là Levi Strauss, đã đến San Francisco vào năm 1853 cũng với ý định nhặt vàng, nhưng là từ túi mấy anh em kia. Levi là người đã bán chiếc quần canvas đầu tiên cho những người thợ mỏ, một thời gian sau ông thay thế canvas bằng một loại vải mới có nguồn gốc từ Pháp, mềm hơn và có màu xanh có tên gọi “serge de Nimes”. Tất cả sau đó đã trở thành lịch sử.

vnrd-levis-1880
1880’s Levi’s One Pocket Buckle Back Jeans True Vintage
Ảnh : Instagram goldenstatevtg

Quần jeans trở thành hình ảnh không thể tách rời với những gã đàn ông đánh đổi tất cả vì vàng, chiếm một đại bộ phận dân số tập trung ở miền Tây nước Mỹ cùng với sự đan xen về chủng tộc và văn hóa, đại diện cho một tinh thần rất Mỹ đến mãi về sau mà chỉ có thể diễn tả bằng một từ – tinh thần “hustle”, hay “làm giàu bằng mọi cách”. 

Không chỉ ở giới đào vàng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hầu hết các ngành nghề lao động khác trong xã hội, từ công xưởng tới bến tàu, hay cả đến trong quân đội, màu xanh của denim đều phủ khắp. Nói không ngoa, quần jeans hay chính xác hơn là denim, đã tạo nên một cuộc cách mạng đối với Quần áo bảo hộ lao động (workwear). Như một sự dàn xếp của số phận, trong chính giai đoạn lịch sử này, ngành công nghiệp quảng cáo cũng đã có những bước phát triển đầu tiên và một sản phẩm vượt trội như denim như hổ mọc thêm cánh. Đến đầu những năm 20s của thế kỉ sau, nhờ sức bật mạnh mẽ của quảng cáo, denim đã đặt chân đến một địa hạt rộng lớn màu mỡ hơn: văn hóa đại chúng tại chính cái nôi của nó, Hollywood.

1920s/1930s, Hollywood mang cao bồi lên phố

Cao bồi là một lực lượng nhân sự cực kì quan trọng trong lịch sử Mỹ, những người đàn ông mang trong mình trọng trách mở rộng lãnh thổ nước Mỹ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương như một “Vận Mệnh Hiển Nhiên từ Chúa”, một niềm tin chính trị đầy máu và nước mắt khởi sinh vào đầu thế kỉ 19. Xuyên suốt một thế kỉ, hình ảnh những người đàn ông bụi bặm rong ruổi trên lưng ngựa có thể làm mọi việc để kiếm 2 đô la đã trở thành một phong cách sống nổi tiếng. 

vnrd-cao-boi
Ảnh : Retro Image Archive

Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, nước Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh cùng khí thế của kẻ chiến thắng, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các thành phố, lôi kéo đàn ông từ những cánh đồng đến làm việc tại các nhà xưởng, khiến lối sống cao bồi dần thoái trào vào những năm cuối thập niên 20. Giữa bộn bề sắt thép đô thị, kèm với tâm lý u uất của Đại Suy Thoái, sự hoài niệm của người dân về một Miền Tây hoang dã vang bóng một thời đã được thương mại hóa và lãng mạn hóa qua các chiến dịch quảng cáo và phim ảnh. Ánh hào quang le lói của những người cao bồi năm xưa lại tràn vào Hollywood như một cơn lũ cuốn.

Thập niên 20s đến 30s là thời hoàng kim của dòng phim Cao bồi – Viễn Tây, khi lối sống lang bạt và có phần ngoài vòng pháp luật này được khoác lên mình một vẻ đẹp mới trên màn bạc. Hàng loạt siêu sao điện ảnh thời bấy giờ đua nhau làm cao bồi như John Wayne hay Gary Cooper, những người đàn ông góc cạnh, đầy chất thơ và nhất là rất đẹp trai đã tạo nên một trào lưu ăn mặc cho giới trẻ và cả những người trung niên. Hình ảnh John Wayne với chiếc quần Levi’s 501 trong phim Stagecoach năm 1939 được nhiều người xem là đã đóng đinh vị thế của đồ denim trong lịch sử Hollywood. Phong cách ăn mặc “western wear” cũng từ đó mà thăng hạng trong giới thời trang nói chung, chủ đạo bởi các  item bằng denim và da, trong đó quần jeans là item nổi tiếng nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử, quần jeans trở nên hợp thời trang, thoát ra ngoài giới hạn đồ workwear thông thường.

vnrd-john-wayne
John Wayne trong phim Stagecoach (1939)
Ảnh : Fine Art America
Big cuff Levi’s 501
Ảnh : Fine Art America

1940s/1950s, Hậu Thế chiến thứ Hai và tuổi trẻ nổi loạn.

Trong Thế chiến thứ hai, quần jeans được tuyên bố là một mặt hàng ‘thiết yếu’ và chỉ được bán cho những người tham gia vào công việc quốc phòng hoặc quân sự. Những người lính bấy giờ được xem là những anh hùng dân tộc, thần tượng và hình mẫu mới. Việc họ thường xuyên mặc quần jeans trong thời gian làm nhiệm vụ càng làm tăng thêm sự thành công của quần jeans trong mắt những người đàn ông trong xã hội. Sau chiến tranh, các cựu chiến binh thường mặc quần jeans, đặc biệt là các cựu chiến binh Hải quân. Mặc dù việc sản xuất quần áo bảo hộ lao động denim đã giảm trong chiến tranh do thiếu nguyên liệu thô, chiến tranh kết thúc đã đánh dấu một sự thay đổi trong nhận thức của rất nhiều người. 

VNRD-linh-my
Lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Ảnh : Heddels

Lúc này, quần jeans đã in đậm lên nhận thức công chúng như một món đồ thời trang hơn là quần áo bảo hộ lao động, nhiều người bắt đầu mặc denim nhiều hơn vì sự thoải mái của nó. Quần jeans trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn cho những ai đã chán ngán quần Tây, vốn quá thẳng thớm và trang trọng để mặc vào cuối tuần hoặc đi nghỉ mát. Thực tế xã hội khi ấy cũng có hai thái độ đối lập như quần Tây và quần jeans vậy, khi có người vẫn tin đồ may đo hoặc vải cotton mềm mới là thứ quần áo của người lễ độ, và quần jeans là quần áo của những kẻ thiếu nghiêm túc.

Lối suy nghĩ này bắt nguồn từ lịch sử của những bộ đồng phục trường học trên khắp nước Mỹ, khi ở thành thị hoặc những trường dành cho tầng lớp cao, trẻ em sẽ mặc theo phong cách Châu Âu khi đi học với quần áo may đo và cà vạt. Trong khi ở những khu vực nghèo hơn, nhiều trẻ em mặc cả yếm denim (overalls) để đến trường. Và để chống lại những lễ nghi cũ, thanh thiếu niên bắt đầu mặc quần jeans đi học, hoặc tự may quần jeans. Có thể nói, thanh thiếu niên năm 1950 là những người đầu tiên coi quần jeans như một biểu tượng của thế hệ họ. Sự hấp dẫn của những kẻ nổi loạn ở tuổi vị thành niên còn được đẩy cao hơn qua những bộ phim như Rebel without a cause mà ngôi sao, James Dean, đã mặc quần Lee 101Z Rider trong hầu hết cảnh phim. Rồi đến Marlon Brando trong bộ đồ biker kinh điển trong The Wild One.  Rồi thêm việc các nhà trường bắt đầu cấm mặc quần jeans khi đi học tạo thêm hiệu ứng ngược, làm tăng sức hấp dẫn của chiếc quần này đối với những thanh thiếu niên tìm kiếm tiếng nói trong sự nổi loạn.

VNRD-rebel-without-a-cause
James Dean trong Rebel without a cause (1955). mặc quần Lee 101Z Rider trong hầu hết cảnh phim.
Ảnh : Pinterest

Về mặt văn hóa, quần jeans đã trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy của giới trẻ trong những năm 1950 và 1960 khi sinh viên đại học bắt đầu mặc chúng để phản đối Chiến tranh Việt Nam và những quy củ sẵn có. Dường như không có gì có thể ngăn lại sự phổ biến của quần jeans như một tờ báo đã trích dẫn: “90% thanh niên Mỹ mặc quần jeans ở mọi nơi, ngoại trừ khi lên giường hoặc đến nhà thờ”.

1960s, Phản văn hóa, Phong trào Nhân quyền và Giải phóng phụ nữ.

Thập niên 60s còn có một cái tên khác, “Thập niên đong đưa”, dựa trên hình ảnh của những chiếc quần jeans ống loe của giới Hippie. Hòa bình, tình yêu, cannabis và quần jeans ống loe luôn nằm trong những “bài ka” phản văn hóa của thập niên này. Những thanh thiếu niên ở thập kỉ trước nay đã trưởng thành với lối suy nghĩ phóng khoáng, yêu hòa bình và “khó để được đặt vào khuôn khổ” hơn bất kì thời đại nào trước đó. Vẫn trong những bộ quần áo denim, họ xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, hay đúng hơn là chống lại việc tuổi trẻ nước Mỹ bị đẩy lên máy bay tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa và phi nhân tính. Denim trong giai đoạn này phi cấu trúc, đề cao tính cá nhân với rất nhiều họa tiết thêu thùa được thêm vào. Đây cũng chính là giai đoạn mà tính chất sờn mòn (fade), tạo nên vẻ đẹp cá nhân hóa của denim bắt đầu được chú ý và sau đó tôn vinh bởi các hội nhóm denimheads toàn cầu.

VNRD-jeans-ong-loe
“Thập niên đong đưa”,dựa trên hình ảnh của những chiếc quần jeans ống loe của giới hippie.
Ảnh : Pinterest

Song hành cùng những cuộc biểu tình của sinh viên, làn sóng nữ quyền thứ 2 đã dẫn đến những thay đổi quan trọng đối với xã hội. “Thập niên đong đưa” cũng đã trở thành biểu tượng cho mâu thuẫn xã hội giữa cái cũ và cái mới, tư duy cứng nhắc và cầu tiến. Bên cạnh sự ra đời của váy mini skirt, một item đầy chất giải phóng với phụ nữ, phong trào giải phóng tình dục bằng quần áo còn xoay quanh denim với những thiết kế (hoặc dyi) táo bạo hơn, đáng kể nhất chắc phải là hip-hugger jeans (quần chít eo, top-block bó sát và ống loe) do Irene Kasmer thiết kế nằm 1957, tiền thân của quần jeans đáy thấp (low-rise jeans) sau này. Marilyn Monroe là một trong những nữ thần màn ảnh đầu tiên mặc denim và boots, cả trên phim lẫn ngoài đời, như một lời khẳng định ý nhị về nữ quyền, phụ nữ công bình cùng đàn ông. Hình ảnh Marilyn trong phim Misfits năm 1961 chắc chắn là tuyên ngôn lộng lẫy nhất của phong trào này.

Nàng Marylin tập tạ trong chiếc quần jeans, còn gì mạnh mẽ và đẹp đẽ hơn?
Ảnh : Pinterest

Phong trào Dân quyền bắt đầu bùng nổ vào giữa những năm 50, mở ra hơn một thập kỷ của các hoạt động tẩy chay, ngồi yên và tuần hành. Quần jeans không chỉ là trang phục ưa thích của các nhà hoạt động mà còn là biểu tượng của làn sóng phản đối bất công với người da màu. Vào tháng 4 năm 1962, thị trấn Huntsville, Alabama, phản đối sự phân biệt đối xử trong các cửa hàng bách hóa bằng cách đổi tên ngày Chủ nhật Phục sinh bằng “Chủ nhật Jeans xanh”. Các cửa hàng quần áo ước tính đã thiệt hại một triệu đô la trong cuộc tẩy chay này. Khi làn sóng cách mạng xã hội tiếp tục leo thang trong thập niên 60s, quần jeans là đồng phục để thể hiện sự thay đổi của thời đại, được mặc trong những lần xuống đường chống Chiến tranh Việt Nam, xác định lại vai trò giới và đấu tranh cho tiến bộ xã hội.

VNRD-chunhatjeansxanh
Chủ Nhật Jeans xanh.
Ảnh : Denimdudes.com

Những nhà hoạt động khi đó mặc đồ denim là vì tính kể chuyện của nó, vì những người mặc đồ jeans đại diện cho tầng lớp bị áp bức, vá chằng vá đụp sau hàng ngàn giờ lao động và bị chó dữ tấn công. Và hơn hết, những bộ đồ denim tạo nên sự đối lập với những bộ quần áo vải lanh phẳng phiu của tầng lớp đang áp bức họ.

VNRD-martin-luther-king
Martin Luther King Jr.
Ảnh : Pinterest

1970s đến nay, Denim xuất khẩu văn hóa Americana.

Americana là một từ tiếng Anh có nghĩa là di sản văn hóa Mỹ. Và chắc không đâu trên thế giới Americana được nâng niu và nâng tầm như ở Nhật, nơi bạn có thể tìm thấy tất cả tinh túy của người Mỹ từ burger, rượu bourbon và đồ denim. Để lý giải cho mối lương duyên này, chúng ta cần nhìn về lịch sử và cách làm của người Nhật.

Trên phương diện văn hóa nói chung, sau khi mở cửa với phương Tây vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản đã bắt tay vào nỗ lực hướng tới hiện đại hóa và công nghiệp hóa đi trước các nước châu Á khác hàng chục năm, với mục tiêu là chính những quốc gia phương Tây.  Nhật Bản nhận ra rằng phương Tây có nhiều điều họ cần có để tiến bộ và mong muốn áp dụng nó.

Nhật Bản đã thể hiện thái độ tương tự đối với Mỹ sau Thế chiến thứ hai, họ hiểu rằng Mỹ đã thắng là có lý do. Thay vì cay đắng phẫn nộ trước thất bại của họ, Nhật Bản đã theo chân Mỹ để theo đuổi bí mật của kẻ chiến thắng.

Ảnh : Long John

Khi nói riêng về Denim, vào cuối giai đoạn bảo hộ của Mỹ ở Nhật, khi nhiều quần áo và đồ quân nhu bị bỏ lại, giới trẻ Nhật Bản đã bắt đầu mặc những bộ quần áo này, cũng là lần đầu tiên những kiểu dáng và chất liệu mới được phổ biến ở đất nước mặt trời mọc. Áo khoác phi công, quần denim, áo khoác dạ và áo sơ mi chambray bắt đầu thay thế những bộ đồ kiểu cũ ở Nhật. Số vải vóc và quần áo thừa còn sót lại cũng được cắt may thành những bộ quần áo mới, chất liệu Mỹ đi cùng với kỹ thuật may vá truyền thống Nhật bắt đầu hình thành nên một nét giao thoa, và sau này người Nhật phát triển thành Ametora, hay American Traditional.

Thêm vào đó, từ những năm 1950 trở đi, truyền thông Mỹ bắt đầu thâm nhập vào Nhật Bản bằng phim ảnh và âm nhạc, cũng y cái cách những Marlon Brando và James Dean khuấy đảo giới thanh niên Mỹ trước đó không lâu. Nền giải trí Mỹ mang đến lối sống nổi loạn, phiêu lưu mà ít người Nhật có cơ hội sống, kéo theo là những sản phẩm thương hiệu sặc mùi lối sống này như guitar điện của Fender hay Gibson, mô tô Harley-Davidson và đương nhiên là quần jeans Levi’s hay Lee.

Ảnh : Pinterest

Góc nhìn của người Nhật về mọi thứ luôn có phần khác biệt, trong thời trang lại càng thể hiện rõ hơn. Shinsuke Takizawa, ông chủ của Neighborhood Japan đã từng nói “Một trong những yếu tố quan trọng nhất của thời trang Nhật chính là sự kiên định”. Trái ngược với thời trang hiện đại từ phương Tây, khi “mới”, “cách mạng” hay “sáng tạo” là những tính từ thúc đẩy, thì ở Nhật, những nhà thiết kế lại mang tinh thần “tái tạo”“nâng cấp” nhiều hơn. Sự phát triển của thời trang, đối với tinh thần Nhật Bản, không phải chỉ đến từ thay đổi xu hướng ăn mặc mà còn nằm rất nhiều ở đặc tính kỹ thuật nữa. Điều này có lẽ bắt nguồn từ một khái niệm văn hóa truyền thống Nhật Bản, đề cao tính “tinh thông” của một con người trong lao động, đó là ikigai. Hãy nhìn vào cách mà những thương hiệu Nhật Bản cho ra mắt sản phẩm mới, sự khác biệt của từng món đồ trong các năm đến từ phương pháp dệt, loại chỉ hoặc loại màu nhuộm hơn là một tổng thể mới hoàn toàn. 

Ảnh : Long John

Và cứ như thế, cách người Nhật đón nhận và thay đổi Americana nói chung và denim nói riêng diễn ra tịnh tiến suốt nhiều thập kỉ, cho đến bây giờ thì Nhật Bản đã trở thành thánh địa của ngách thời trang này mà thậm chí những người chủ thật sự của nó, người Mỹ, phải tìm đến để học hỏi. 

Ai là người quyết định những chiếc quần Levi’s 501 True Vintage từ những năm 1930s có giá $6000 mà bạn thấy trên internet? Chính là người Nhật!

Nguồn bài viết:

www.vogue.fr/fashion/article/vogue-encyclopaedia-the-history-of-denim-jeans

www.denimdudes.co/how-denim-became-the-symbol-of-the-civil-rights-movement

www.heddels.com/2014/07/japan-love-mid-century-america-much/

ww.selvedgeyard.com/2009/10/17/history-of-denim-through-the-ages-western-wear-goes-hollywood/

Related Articles

Leave a Comment