Chi tiết không chỉ dành cho những quý ông mà còn là nét đẹp thời gian của những tiêu bản Denim đã làm nên lịch sử.


Nếu như bạn đọc có tham khảo bài viết về Belt Loop (tại đây) đã đề cập đến, thì “Back Cinch” hay còn gọi là “Back Buckle”, được hiểu như một chiếc tăng lưng – đai lưng dùng để điều chỉnh, tăng giảm kích cỡ (phần eo hông) của món đồ cho phù hợp với người sử dụng. Back Cinch là chi tiết xuất hiện phổ biến trên quần áo Denim vào trước năm 1942, Levi’s là nhãn hiệu đầu tiên thay thế Back Cinch bằng Belt Loop với thắt lưng thông thường như ngày nay.



Cấu tạo Back Cinch bao gồm hai đoạn vải được may & đóng đinh tán (rivet) và được nối bằng một loại khoá (buckle) tuỳ theo hãng sản xuất. Back Cinch xuất hiện lần đầu tiên trên phiên bản Levi’s Waist Overalls sản xuất năm 1872, giúp cố định phần hông và eo để người mặc thoải mái hoạt động và làm việc. Hãng từ đó bắt đầu áp dụng chi tiết này lên các thiết kế áo khoác như Triple Pleat Blouse 1874 và các bản Type I ở thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến.

Các tiêu bản Denim ở đầu thế kỷ 20 có cả Belt Loop và Back Cinch giúp người mặc linh động sử món đồ với đai lưng (suspender) hoặc thắt lưng (belt) tùy theo từng cá nhân. Về sau, Back Cinch này bị thay thế hoàn toàn bởi Belt Loop vì thắt lưng ngày càng phổ biến. Tuy không chiếm ưu thế ở phương diện công năng, Cinch Back vẫn là chi tiết gợi lên nét đẹp cổ điển, hoài cổ của Denim trong quá khứ. Bởi lẽ đó mà vài thập kỷ trở lại đây, một số thương hiệu denim của Nhật Bản đã mang chi tiết này trở lại trên các thiết kế Denim của họ như Evisu, Studio D’Artisan, Fullcount, v.v

Nhìn chung, sự thay đổi thiết kế của Denim Jeans có nhiều thay đổi qua thời gian, điều này tạo nên giá trị đặc biệt cho những chi tiết như Back Cinch trên các phiên bản Denim cổ điển. Chúng tôi tin rằng, những chi tiết này đang làm cho cuộc chơi Denim ngày một độc đáo và thú vị hơn!