Trong khi Denim Mỹ đã tạo dựng được tên tuổi và di sản lâu đời, Nhật Bản cũng là quốc gia từ lâu đã chứng tỏ được vị trí của mình trên bản đồ Denim thế giới. Bài viết này sẽ khái quát khía cạnh lịch sử của Denim tại Nhật và lý do vì sao đất nước này đã trở thành nơi sản xuất Denim sánh ngang với Mỹ.
Vực dậy sau Thế chiến II, Nhật Bản dần điều chỉnh cuộc sống sau nhiều năm hỗn loạn và thương vong. Giai đoạn 1950s, người Mỹ đóng quân tại Nhật Bản và tạo nên một ảnh hưởng vô cùng lớn đến văn hoá nói chung & thời trang nói riêng tại đây. Thay vì cay đắng phẫn nộ trước thất bại, đất nước mặt trời mọc theo bước chân của Mỹ để vực dậy, từ đó mang văn hoá Mỹ len lỏi vào đời sống dân chúng.
Các bộ phim Mỹ như The Wild One, với sự tham gia của Marlon Brando và Rebel Without a Cause của James Dean đã được ca tụng và thổi tung nhận thức của người Nhật nhận về người Mỹ. Họ cũng nhanh chóng bị mê hoặc bởi âm nhạc Mỹ, với các biểu tượng như Elvis Presley và The Beatles dần trở nên được sùng bái ở Nhật Bản. Những biểu tượng này đã gói gọn tinh thần Mỹ vào trong lớp trẻ nơi đây. Thanh thiếu niên bắt đầu đam mê trở thành những cá nhân độc lập, gồ ghề và khao khát được hiểu và trải nghiệm theo cách của người Mỹ: nổi loạn, vui tươi, phóng khoáng và tự do.
Bạn đọc dễ dàng tìm thấy hình ảnh các nhóm thanh niên Nhật Bản trong phong cách Ametora – phong cách Mỹ truyền thống hoặc Amekaji – phong cách Mỹ thường nhật cùng chiếc quần bò màu xanh. Và tất nhiên, chiếc quần Levi’s 501 cũng là một thứ quyến rũ giới trẻ Nhật Bản lúc bấy giờ. Quần jeans phổ biến đến nỗi trang phục này đã từng gắn bó với thanh thiếu niên nổi loạn và các băng đảng đối lập, đôi khi nó bị cấm ở trường học vì cho rằng quần jeans mang hình tượng gợi cảm và bạo loạn.
Denim jeans của Mỹ được ban đầu du nhập vào Nhật bởi các tay lính và người buôn gốc Mỹ bán ở thị trường chợ đen giai đoạn hậu thế chiến II. Denim được người Nhật đón nhận một cách say mê & phát triển thành một phong cách phóng khoáng & được ngưỡng mộ bởi vô số thanh niên. Tuy nhiên, giá thành cao của Denim Mỹ & nguồn cung giới hạn khiến cho không phải ai cũng có thể tiếp cận. Cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu là sản xuất bản sao (tái bản) dựa trên những thiết kế nổi tiếng của Hoa Kỳ như Levi’s 501, Wrangler 11MJZ & Lee Cowboy. Và các công ty Denim của Nhật Bản đã ra đời dựa trên nền tảng này.
Giai đoạn 1950, các công ty Nhật đa phần vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Denim nhập khẩu từ Hoa Kỳ như Canton Mills, Cone Mills để sản xuất quần jeans. Các công ty đi đầu như Edwin & Big John bắt đầu thử nghiệm sản xuất vải Denim tại Nhật Bản trong giai đoạn 1960. Lúc này chất lượng của Denim Nhật chưa thực sự tốt & cần nhiều cải tiến. Với tính cách cẩn thận & tỉ mỉ của người Nhật, giai đoạn 70s đánh dấu một kỉ nguyên mới của Denim sản xuất tại Nhật Bản khi chất lượng vải đã có thể sánh ngang với các thương hiệu Hoa Kỳ.
Shigeharu Tagaki thành lập Studio D’Artisan vào năm 1979, khởi phát từ một ý định rất đơn giản, ông muốn tạo nên sản phẩm chất lượng cao như Levi’s. Tagaki đã kết hợp các kỹ thuật nhuộm & dệt denim truyền thống với màu chàm tự nhiên để tạo ra bộ sưu đầu tiên cho một giai đoạn bùng nổ của Denim Nhật Bản.
Từ 1988 đến 1995, Denime, Evisu, Fullcount và Warehouse được thành lập – một nhóm các thương hiệu cùng với Studio D’Artisan được biết đến với cái tên Osaka 5. Những nhà sáng lập các thương hiệu này được thúc đẩy bởi cùng một tầm nhìn: Sản xuất và phát triển Denim chất lượng cao dựa trên những thiết kế kinh điển.
Trong vài năm đầu tiên, Osaka 5 tập trung mở rộng các nhà máy sản xuất Denim cổ điển và chủ yếu sản xuất thủ công để đạt chất lượng hàng đầu. Tuy nhiên, giá thành của các mẫu Denim còn khó tiếp cận do chi phí sản xuất tốn kém. Trải qua một thời gian, khi tạp chí Mono và Boon đăng tải các tin về phong cách 501 cổ điển, Osaka 5 chính thức tiếp cận với số đông người yêu thích Denim khắp cả nước Nhật Bản.
Tiếng lành đồn xa, Denim cổ điển được làm dưới tay Osaka 5 đã sớm tiếp cận đến phần còn lại của quả đất. Theo đó, người Mỹ hoan nghênh các kỹ thuật của người Nhật và họ bắt đầu tìm kiếm Denim Nhật để nhập môn. Đây có thể xem là mở đầu cho việc tái cấu trúc thế giới Denim giai đoạn 1990s. Trong đó, Evisu (hay Evis trước kia) đã bắt đầu xuất hiện trong các bản nhạc Hip Hop của Lil Wayne, Gucci Mane và Jayz – Nam rapper và nhà sản xuất đại tài đã thừa nhận mình là một người hâm mộ Evisu với câu nói “đây không phải là động cơ diesel, đây là Evisu” minh chứng cho cơn sốt Denim Nhật tại Hoa Kỳ trong thời kỳ này.
Điều này bắt đầu thu hút sự chú ý với đơn cử là thương hiệu Levi’s và họ bắt đầu khởi kiện các thương hiệu Osaka 5 do sử dụng các chi tiết thiết kế của mình. Vì đã có được những người yêu mến và ủng hộ, các thương hiệu Osaka 5 đã thay đổi phần lớn nhận diện thương hiệu trên sản phẩm Denim của mình và tiếp tục phát triển Denim theo cách riêng của họ. Rất nhiều (nếu không phải tất cả) các thương hiệu Nhật Bản bao gồm Iron Heart, Sugar Cane và The Flat Head… đã thành công nhờ vào mức độ khéo léo, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết cũng như nét mới mẻ trong thiết kế đã giúp họ cùng Osaka 5 vươn tầm thế giới một cách dõng dạc và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Những thiết kế Denim Nhật Bản này sở hữu nét tinh tế ở bề mặt vải cùng kỹ thuật nhuộm chàm độc đáo, điều này tạo nên trải nghiệm hoàn toàn khác biệt ở quá trình phai màu. Sắc chàm trên vải Denim khó phai hơn, nhưng lại tạo nên độ tương phản cao theo thời gian. Một số chi tiết kim loại như cúc & đinh tán cũng được các hãng đầu tư tỉ mỉ để tạo nên tính độc bản và dấu riêng của từng thương hiệu.
Trong hơn hai thập kỉ gần nhất, các thương hiệu Nhật Bản đã hướng sự chú ý đến các thiết kế mới mẻ, kết hợp vốn hiểu biết của họ với quy trình sản xuất nghiêm ngặt để tạo ra những sản phẩm Denim độc đáo và rất giá trị. Điều này dần dần thay đổi trục bánh xe Denim của thế giới và được các tín đồ yêu thích đón nhận cho đến ngày hôm nay.