“Loom” có thể hiểu là một công cụ được sử dụng để dệt vải, còn được gọi là máy dệt, khung dệt vải. Nói một cách đơn giản, nó hoạt động bằng cách kéo dài sợi dọc (Warp) trên khung vải, sau đó đan xen các sợi ngang (Weft) luồn qua các sợi ngoài để tạo nên kiểu dệt (Weaving) theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Máy dệt đầu tiên được các nhà sử học tìm thấy từ năm 1800 trước Công nguyên ở Ai Cập và được cải tiến đưa vào sản xuất cho đến ngày nay. Mặc dù có nhiều loại khung dệt được sử dụng, quần denim jeans hầu như được dệt chủ yếu bằng máy dệt con thoi (Shuttle Looms) hoặc máy dệt đạn (Projectile Looms).
Những sản phẩm Selvedge Denim đầu tiên (trước năm 1950) thường được sản xuất bởi các máy dệt con thoi cổ điển với phần khung máy làm bằng kim loại và hoạt động tương đối đơn giản: sợi dọc (Warp) được đặt trong khung dệt và một con thoi mang sợi ngang (Weft) chạy xuyên các sợi dọc của khung dệt theo mẫu dệt định sẵn. Con thoi tạo ra nhiều đường chuyền lặp lại liên tục tạo nên mép biên vải liền mạch (Self-edges hay Selvedge) có màu trắng hoặc trắng phối đỏ tuỳ theo màu sắc mép biên mà nhà sản xuất mong muốn. Tuy nhiên, máy dệt con thoi chỉ có thể chạy 150 sợi ngang trong vòng 1 phút và ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành một chiếc quần Jeans. Khi công nghệ tiến triển và nhu cầu của người tiêu dùng về vải Denim tăng lên, các công ty đòi hỏi các máy móc có thể dệt vải với tốc độ cao hơn. Một số loại máy dệt mới ra đời như một sự cải tiến cho máy dệt con thoi, một trong số đó là máy dệt đạn, một trong những loại phổ biến nhất để sản xuất vải Denim đầu thế kỉ 20.
Máy dệt đạn hoạt động bằng cách đưa các sợi sợi ngang (Weft) qua một hàng dọc (Warp) tại một thời điểm theo trình tự để tạo thành vải. Cụ thể hơn, các sợi dọc vẫn được đặt vào khung dệt, nhưng thay vì con thoi thì các sợi ngang gắn vào nhiều viên đạn nhỏ hơn và được đẩy qua khung dệt nơi có các sợi dọc được đặt sẵn. Khi viên đạn đến đầu bên kia, chúng giải phóng sợi ngang (không lặp lại như con thoi) và rơi xuống một băng chuyền để đưa viên đạn trở lại trong khi một viên khác được bắn tiếp theo. Theo trình tự này, máy dệt đạn có thể tạo ra 1000 sợi ngang mỗi phút và trên một khổ dệt rộng gấp đôi máy dệt con thoi thông thường. Bởi vì các viên đạn không lặp lại (vòng lại) bằng sợi ngang khi đến đầu bên kia của khung dệt, nên các sợi ngang sẽ bị đứt quãng ở cạnh vải. Điều này đòi hỏi thêm công đoạn vắt sổ bằng mũi khâu (Overlock) giúp cố định các cạnh vải không hoàn thiện để tạo nên thành phẩm cuối cùng. Đó cũng là lý do mà Non-selvedge Denim ra đời.
Trong những năm 1980 và 1990, nhiều nhà thiết kế Nhật Bản đã quay trở lại sử dụng máy dệt thoi cổ điển và bắt đầu tiếp thị quần Jeans “cao cấp” hơn được làm bằng Selvedge Denim. Một xu hướng mới bắt đầu được đón nhận và truyền bá rộng rãi. Tuy nhiên cũng có một số lầm tưởng rằng loại vải không có Selvedge (Non-selvedge Denim) có chất lượng không tương xứng với Selvedge Denim. Thực tế, Non-selvedge Denim có nhiều điểm khác biệt nổi trội vì nó được tạo ra trên khung dệt tiên tiến và là sự kết hợp của nhiều yếu tố như cách nhuộm, định lượng bông được sử dụng, trọng lượng của vải, tốc độ dệt, v.v. Chỉ là hầu hết các nhà máy tập trung hơn vào số lượng hơn là chất lượng và vì vậy họ sử dụng máy dệt đạn để đạt được mục tiêu đó.
Chúng tôi hy vọng với kiến thức này, các bạn sẽ có những dữ kiện hữu ích để tìm hiểu sâu hơn về quá trình hình thành nên chiếc quần Jeans và văn hoá Denim ngày hôm nay.
Cảm ơn và hẹn gặp lại bạn vào số tiếp theo !