Suspender Button – Nút cài đai lưng

by Duy Đào

Dành cho bạn đọc yêu thích Denim cổ điển, chi tiết “Suspender Button” hay được gọi là nút cài đai lưng này đã xuất hiện trên các mẫu denim cổ, nhất là quần jeans được thiết kế trước những năm 1930. Cùng với đai lưng sau (Cinch-back), loại nút cài này đã bị loại bỏ trên quần jeans khi thắt lưng trở thành tiêu chuẩn. Trước đó, hầu hết các loại quần jeans đều có hai nút ở lưng quần phía sau và hai bên mặt trước, được sử dụng để móc / cài / gài vào dây đai lưng mà không cần sử dụng dây nịt thông thường.

Nút cài đai lưng trên mẫu quần 1915 Levi’s 501, ảnh của Denim Hunters

Những chiếc quần jeans đầu tiên thường khá cồng kềnh và nặng nề và thường không có nhiều kích cỡ cho tất cả người lao động. Dây đai lưng và nút cài đã có trên âu phục từ nhiều thập niên trước và trên các mẫu yếm lao động (Coveralls), vì thế mà nó được áp dụng lên quần jeans. Chiếc nút cài & đai lưng đã giải quyết bài toán thực tế bằng cách cố định quần với cơ thể và giữ quần không tuột khi người mặc lao động. Sau thế chiến thứ nhất, đàn ông trẻ tuổi đã quen với việc đeo đai lưng như một phần đồng phục quân sự của họ và mang thói quen này về nhà trong cuộc sống thường ngày. Nhiều người cũng đã chọn từ bỏ trang phục nam giới truyền thống, bao gồm áo ghi-lê và áo khoác, mà chỉ mặc áo sơ mi và chiếc quần jeans mang đai lưng đơn giản. Chi tiết nút cài này đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên thiết kế quần jeans cổ điển. 

1915 Levi’s 501 chỉ có Suspender Button mà không có Belt Loop
Mẫu 1915 Levi’s 501 & nút cài đai lưng, ảnh từ Pinterest

Vào năm 1922, Levi’s đã giới thiệu Belt Loop trên quần jeans của họ để người dùng sử dụng với dây nịt (dây thắt lưng). Mẫu quần jeans ở giai đoạn chuyển tiếp này có cả Suspeder Button, Belt Loop & Bank-cinch. Điều này cho phép khách hàng của họ chọn cách mặc quần jeans với dây đai lưng hoặc dây nịt theo tuỳ chọn cá nhân. Nhưng việc có nhiều lựa chọn sẽ dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề, phần lớn đàn ông thời bấy giờ chỉ mặc quần jeans theo một trong ba cách trên và hiếm khi dùng cả ba. Giai đoạn sau đó, khách hàng đã yêu cầu Levi’s tháo gỡ các nút cài vì cho rằng dây nịt là phụ kiện phù hợp cho công việc hằng ngày của họ nhất. Đến năm 1937, Levi’s đã loại bỏ các nút cài khỏi thiết kế quần jeans nhưng hãng vẫn bán các nút ‘Press-on’ để khách hàng có thể mua và đóng lên quần, phục vụ khách hàng có thói quen dùng đai lưng. 

1922 Levi’s 501 có cả Suspender Button & Belt Loop, ảnh từ Pinterest

Quần jeans có nút cài đai lưng đã hồi sinh ở phân mảng thời trang di sản (Heritage Style) và đã được các thương hiệu Hoa Kỳ, Nhật Bản… tái hiện chi tiết này nhằm đa dạng phong cách cũng như duy trì chi tiết thú vị này của Denim. 

Related Articles

Leave a Comment