Phiên bản D1864 – Kyoto Black Crest Dyed từ nhà Studio D’Artisan (SDA) là mẫu quần jeans được sản xuất trên nền màu chàm bằng kỹ thuật nhuộm đen Kyoto. Màu đen đậm và mạnh mẽ này được tạo ra từ việc xếp lớp màu chàm và màu đen nhiều lần và được gọi là Màu Đen Tối Thượng – “Ultimate Black” chỉ có thể làm ra thông qua kĩ thuật Kyoto Black Dyeing. Vải denim sử dụng trên chiếc quần jeans này là loại vải selvedge right hand twill được dệt bởi máy Toyoda Automatic Loom “G3”. Loại vải từ chiếc máy G3 này được mô tả bởi đặc trưng thô, ghồ ghề và đường chỉ không đồng đều. D1864 là chiếc quần jeans 5 túi cơ bản dùng nút cài với dáng quần là relaxed tapered – ống quần ôm từ gối. SDA nhắn nhủ đến người dùng hãy thưởng thức “màu đen tối thượng” của kỹ thuật nhuộm đen Kyoto này – thứ được tạo ra nhờ quá trình nghiên cứu chuyên sâu của hãng.
Hiện tại quần đang được bán với giá ¥39,380 tại website của SDA.
Về Kỹ Thuật Nhuộm Đen Kyoto
Lịch sử của kỹ thuật nhuộm đen Kyoto có từ thời kỳ Heien (794 – 1185) – đánh dấu sự thăng hoa của tầng lớp samurai. Ở giai đoạn này, loại mực nhuộm “Sumi” được dùng để nhuộm vải. Sau đó đến thời kỳ Edo (1603 – 1867), một loại kỹ thuật mang tên gọi “Beni-Shita” (màu đỏ sẫm) & “Ai-Shita” (màu chàm được dùng lần lượt để cho ra màu đen đậm). Lúc bấy giờ, loại vải được nhuộm đen bằng phương thức nhuộm thực vật được gọi là “Binroji”. Quần áo đen được nhuộm “Binroji” có gắn gia huy được cho là bền đến mức không thể bị gươm đâm thủng và trở nên phổ biến trong giới samurai. Nó càng trở nên nổi tiếng trong đại chúng hơn trong thời kì Meji (1868 – 1912) khi Haori Hakama (một loại trang phục truyền thống Nhật Bản) được làm trang phục chính thức đầu tiên cho nam giới.
Để tạo ra màu đậm hơn, quá trình nhuộm đen được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần và xếp lớp các mảng màu. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và còn phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm lâu năm của các nghệ nhân nhuộm. Quá trình nhuộm này được làm lặp lại hàng chục lần bằng cách di chuyển vải lên xuống liên tục đồng thời thay đổi dần nhiệt độ của thuốc nhuộm. Qua thời gian, kỹ thuật nhuộm đen Kyoto đã phát triển cùng những người thợ để có được màu đen cực đậm. Năm 1979, kỹ thuật này được công nhận là nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản. Màu đen mà kỹ thuật này đạt được không chỉ đơn thuần là màu sắc mà còn mang sức mạnh tinh thần của người dân xứ sở hoa Anh Đào.