Đây có thể là một thuật ngữ nhìn sẽ biết nhưng nếu gọi tên thì hẳn bạn đọc vẫn còn lạ lẫm nhiều. Vậy nên hãy cùng xem qua bài viết này để hiểu rõ hơn về “Bartack” nhé!

“Bar tack” (hay “bartack”) có thể hiểu như “mũi khâu đánh bọ”. Đây là một thuật ngữ được dùng phổ biến trong ngành may mặc nói chung và đặc biệt là quần áo làm từ chất liệu Denim. Công dụng của nó là gia cố các vị trí dễ bị căng và hao mòn nhất trên quần áo. Các vị trí thiết yếu này bao gồm: Mép túi, lỗ nút cài, 2 đầu đỉa quần (Belt Loop), đáy hoặc đũng quần, các nếp gấp, góc của cổ áo…

Bartack là mũi khâu thay thế cho đinh tán (rivets) nhằm đơn giản hoá khâu sản xuất mà vẫn giữ độ bền, loại bỏ đi ảnh hưởng của rivets lên các bề mặt khi tiếp xúc như vải, da… Các hãng sản xuất dùng máy thủ công hoặc may tay để thực hiện mũi khâu đánh bọ này, nhưng hiện nay các xưởng và nhà máy đã áp dụng máy đánh bọ (Bartack Machine) để tăng công suất và chất lượng.

Hình dạng của Bartack được khâu theo hình Zigzag và nằm dọc theo đường may. Chúng ta có thể bắt gặp Bartack ở các sản phẩm Denim với màu sắc tương phản như cam, vàng, xanh, đen, v.v. Đối với những nhà sưu tập Denim, màu sắc của đường Bartack còn nói lên giá trị của phiên bản đó theo từng thời kỳ khác nhau.